Gian nan thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án
Theo Tổng cục THADS, tình trạng xảy ra khá phổ biến ở một số địa phương đó là đương sự chống đối, không hợp tác, khiến cơ quan THADS không tiến hành thẩm định giá được tài sản đã kê biên. Từ đó dẫn đến vụ việc bị kéo dài, gây khó khăn cho Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án.
Tại thời điểm tổ chức thẩm định giá, tài sản có thay đổi đáng kể về hiện trạng so với thời điểm tổ chức kê biên. Trong nhiều vụ việc, sau khi kê biên tài sản, cơ quan THADS giao tài sản đã kê biên cho người phải thi hành án tiếp tục bảo quản, sử dụng. Tại thời điểm kê biên, hầu hết các vụ việc đều chưa có sự tham gia của tổ chức thẩm định giá. Do đó, đến thời điểm thẩm định giá, Chấp hành viên và tổ chức thẩm định tiến hành xem xét hiện trạng tài sản để làm cơ sở cho việc thẩm định. Qua kiểm đếm, rà soát, đối chiếu tài sản hiện có và tài sản theo kê biên có sự không thống nhất, tăng hoặc giảm đáng kể, làm thay đổi về giá trị của tài sản. Vì vậy, việc thẩm định giá tài sản đã không thể thực hiện được hoặc kết quả thẩm định không chính xác.
Ngoài ra, nhiều vụ việc bị kéo dài do đương sự không thống nhất về giá thẩm định, có nhiều đơn khiếu nại về giá dẫn đến việc thẩm định kéo dài hoặc do tài sản đã kê biên có tranh chấp, đương sự khởi kiện ra Tòa án để giải quyết, việc thi hành án có khiếu nại, tố cáo phải tạm dừng dể giải quyết nên chưa thể thẩm định giá tài sản.
Đối với công tác bán đấu giá tài sản, cơ quan THADS địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do tâm lý e ngại khi mua tài sản bán đấu giá để thi hành án. Tài sản là bất động sản của người phải thi hành án đang cho người khác thuê để sản xuất, kinh doanh nên mặc dù đã kê biên, thẩm định giá nhưng vẫn phát sinh tranh chấp, khởi kiện ra Tòa án và khiếu nại, tố cáo. Thời gian bán tài sản kéo dài, số lượng tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành còn lớn, đặc biệt trong trường hợp các tài sản mà người phải thi hành án đã thế chấp cho người thứ ba sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật.
Để tháo gỡ những vấn đề nêu trên, Tổng cục THADS cho biết sẽ tiếp tục quán triệt tới các cơ quan THADS, Chấp hành viên những lưu ý khi thực hiện ký hợp đồng thẩm định giá với các tổ chức thẩm định có đầy đủ năng lực, uy tín theo quy định pháp luật và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, Lãnh đạo các cơ quan THADS cần thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra các loại vụ việc phải thực hiện thẩm định giá theo quy định.
Tổng cục THADS sẽ phối hợp với Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính để có giải pháp nâng cao năng lực, trình độ của Chấp hành viên trong công tác thẩm định giá tài sản thi hành án, xác định tổ chức thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá, ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ thẩm định giá cũng như tăng cường kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành thông qua các lớp bồi dưỡng. Tổng cục THADS đề nghị Cục Quản lý giá phối hợp trong công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại về giá, trường hợp tổ chức thẩm định giá ban hành chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá không đúng quy định thì cần có biện pháp thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động của tổ chức đó..
Đối với trường hợp đương sự chống đối, không hợp tác, gây khó khăn trong thẩm định giá, để thận trọng trước khi tổ chức thực hiện thẩm định giá, cơ quan THADS cần báo cáo Ban Chỉ đạo THADS về kế hoạch thực hiện, trao đổi với chính quyền địa phương để thống nhất thành phần tổ công tác tham gia thực hiện nhiệm vụ cho phù hợp; thông báo cho đương sự và tổ chức, cá nhân liên quan biết về thành phần, thời gian, địa điểm thực hiện việc thẩm định giá. Nếu đương sự vẫn chống đối thì cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật và việc thẩm định giá tài sản đã kê biên vẫn được tiến hành theo quy định.
Trường hợp tại thời điểm thẩm định giá, tài sản có thay đổi đáng kể về hiện trạng so với thời điểm thực hiện việc kê biên thì Chấp hành viên cần lập biên bản về việc thay đổi này. Trường hợp tài sản đã kê biên bị suy giảm thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức thẩm định giá căn cứ hiện trạng thực tế của tài sản đã kê biên để thẩm định giá. Trường hợp tài sản đã kê biên tăng thêm là của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định kê biên bổ sung nếu tài sản đã kê biên chưa đủ so với khoản nghĩa vụ phải thi hành và việc tách rời phần tăng thêm làm mất hoặc giảm đáng kể giá trị tài sản và tiến hành thẩm định giá đồng bộ.