1. Trang chủ /
  2. Gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng

Gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng

thứ năm, 23/3/2023 07:46 GMT+07
Ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng nằm trong vùng căn cứ địa cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi ghi dấu ấn sâu đậm về hoạt động của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ suốt chín năm kháng chiến trường kỳ. Bởi vậy, vùng đất này hiện đang sở hữu dày đặc các di tích và quần thể di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên)-một trong những địa chỉ đỏ để học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên)-một trong những địa chỉ đỏ để học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng.

Để gìn giữ, bảo tồn hệ thống di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, hiện cả ba tỉnh vẫn gặp nhiều gian nan, thách thức.

Những “địa chỉ đỏ”

Những ngày tháng 3, chúng tôi có dịp về với An toàn khu (ATK) Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này đang khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Theo Phòng Văn hóa huyện Chợ Đồn, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, công nhận huyện Chợ Đồn là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn. ATK Chợ Đồn là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có 25 điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có tới sáu di tích quốc gia đặc biệt gồm: Bản Ca, Đồi Nà Pậu, Khuổi Linh, Đồi Pù Cọ, Khau Mạ, Nà Quân.

Tại ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhiều địa danh là nơi ở, nơi làm việc của Bác Hồ, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đã trở thành Khu di tích quốc gia đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Xuyến ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Về ATK Định Hóa, tận thấy nơi ở, nơi làm việc, đồ dùng hằng ngày của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối rất giản dị, đơn sơ, đem đến cảm xúc rất đặc biệt.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ lúc ấy, Bác Hồ và các nhà lãnh đạo kháng chiến đã tận hiến sức lực, trí tuệ cho nhân dân, cho dân tộc; đã lãnh đạo, dẫn dắt và cùng cả dân tộc phát huy cao độ truyền thống yêu nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Đó còn là xúc cảm cho thấy sự đùm bọc, sẻ chia của đồng bào các dân tộc Chiến khu Việt Bắc đối với Bác Hồ, đối với cách mạng. Đây là những di tích quý giá để giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ban, ngành có di tích đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn, phục dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng ở ATK Định Hóa. Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử-sinh thái ATK Định Hóa, cho biết: Đến nay, hầu hết các di tích lịch sử tại quần thể ATK Định Hóa, nhất là các điểm di tích nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt đều đã được phục dựng, tôn tạo hoặc dựng bia, nhà bia ghi dấu di tích, sự kiện. Ban Quản lý cũng thường xuyên sưu tầm hiện vật trưng bày và tư liệu liên quan để thuyết minh phục vụ du khách.

Hầu hết các di tích lịch sử tại quần thể ATK Định Hóa, nhất là các điểm di tích nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt đều đã được phục dựng, tôn tạo hoặc dựng bia, nhà bia ghi dấu di tích, sự kiện. Ban Quản lý cũng thường xuyên sưu tầm hiện vật trưng bày và tư liệu liên quan để thuyết minh phục vụ du khách.
Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử-sinh thái ATK Định Hóa

Xác định đây là “địa chỉ đỏ” hết sức quan trọng, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn cùng một số bộ, ban, ngành có di tích đã dành nguồn lực để đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích. Huyện Chợ Đồn tôn tạo, phục hồi di tích Đồi Pù Cọ ở Bản Bẳng; lập dự án thiết kế, cải tạo nội thất, bố trí lại cách bài trí, trưng bày hiện vật Nhà trưng bày tại di tích Nà Pậu.

Tháng 3/2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Bắc Kạn tu bổ, tôn tạo một số di tích trong ATK Chợ Đồn. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã cấp sáu tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn…

Tại tỉnh Cao Bằng, từ năm 2018 đến nay, công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích được triển khai, thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa đạt hiệu quả tốt. Năm 2023, Cao Bằng triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục tại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024).

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã giao Bảo tàng tỉnh và Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh phối hợp ngành giáo dục, các trường học xây dựng nhiều chuyên đề tuyên truyền trong học sinh, sinh viên; tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan, học tập, tìm hiểu lịch sử cách mạng ngay tại các di tích...

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo quốc lộ 3C-tuyến đường độc đạo xuyên qua ATK Chợ Ðồn-để kết nối với ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Cùng với đó, thời gian qua, ba tỉnh cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành đã tập trung kết nối, liên kết các tua, tuyến du lịch trên hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Ðây là hoạt động được tổ chức luân phiên tại sáu tỉnh Việt Bắc (gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên).

Chương trình là cơ hội để các tỉnh vùng Việt Bắc quảng bá về vùng đất, truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng và con người, cũng như những tiềm năng và các sản phẩm du lịch văn hóa, về nguồn đến với các nhà đầu tư, du khách thập phương.

Phát huy giá trị

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa là công trình kiến trúc mang đặc trưng truyền thống, trên cùng là chính điện đặt bàn thờ, tượng Bác Hồ; phía trước Nhà tưởng niệm là cả một không gian rộng rãi để tổ chức lễ dâng hương, báo công với Bác hoặc làm lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên.

Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử-sinh thái ATK Định Hóa, Bùi Huy Toàn, chia sẻ: “Hằng ngày, tại các di tích, chúng tôi bố trí người trông nom, quét dọn; có hướng dẫn viên thuyết minh về di tích. Chúng tôi cũng đã số hóa một số điểm di tích để quảng bá trên các nền tảng số; kết nối với nhiều công ty du lịch, lữ hành để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm”.

Với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử cách mạng; cải tiến phương thức hoạt động, phục vụ, năm 2022, Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đã thu hút gần 135 nghìn lượt du khách. Trong gần ba tháng đầu năm nay, ATK Định Hóa đã đón gần 600 đoàn với hơn 34 nghìn lượt du khách tham quan, trải nghiệm.

Tương tự, tháng 11/2021, tỉnh Bắc Kạn khai trương Cổng Thông tin du lịch thông minh kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp. Nhờ tích hợp bản đồ số du lịch và thông tin vị trí, du khách có thể chủ động lập và khám phá hành trình của mình trong suốt chuyến đi đến ATK Chợ Đồn.

Tuy nhiên, lượng du khách đến với các khu di tích cách mạng tại ba tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng ở ba tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, gian nan nhất là ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) do chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo xứng tầm, nên lượng khách du lịch hằng năm rất ít ỏi.

Đến nay, Bắc Kạn mới chỉ có 19 di tích được tu bổ, tôn tạo (trong đó có ba di tích thuộc quần thể di tích ATK Chợ Đồn), còn hơn 20 di tích chưa được tu bổ, tôn tạo và phát huy. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân trong những năm qua chỉ hơn 56 tỷ đồng. Phần lớn các di tích chưa có đường giao thông ra vào thuận lợi nên không phát huy được mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa, du lịch về nguồn.

Mỗi năm, ATK Chợ Đồn và một số di tích lịch sử khác của Bắc Kạn chỉ đón khoảng 400 lượt khách-chủ yếu là người làm chuyên môn đến công tác, nghiên cứu, học tập. Trong khi đó, là ATK trong khu vực vẫn đang có các mục tiêu quân sự, nên việc triển khai các dự án đầu tư tại đây rất hạn chế, dẫn tới người dân không có sinh kế bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Sự quan tâm, đầu tư, phối hợp trong nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích cũng là vấn đề đáng bàn. Tại Cao Bằng hiện còn hơn 100 di tích, danh lam thắng cảnh chưa được xếp hạng. Một số di tích chưa được cắm biển bảng chỉ dẫn, giới thiệu dẫn đến ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị. Thí dụ như cây cầu đá Cốc Khoác ở thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh được xây dựng từ thời nhà Lê cách đây mấy trăm năm, đến nay chưa được đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn đường, rất ít du khách biết và đến tham quan, chiêm ngưỡng công trình cổ mang nhiều giá trị về kiến trúc.

Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn, Hà Đức Tiến cho biết, huyện đã ban hành đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện sẽ tích cực quảng bá những giá trị du lịch, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương, khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch ATK.

Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Sầm Việt An chia sẻ, Sở sẽ xây dựng, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tại địa phương phù hợp thực tiễn. Trong đó, sẽ tập trung lập hồ sơ xếp hạng di tích. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, đề nghị các huyện, thành phố lập hệ thống biển báo chỉ đường, biển báo giới thiệu về các di tích đã được xếp hạng để thu hút du khách đến tham quan và phát huy các giá trị của di tích.


Sở sẽ xây dựng, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tại địa phương phù hợp thực tiễn. Trong đó, sẽ tập trung lập hồ sơ xếp hạng di tích. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, đề nghị các huyện, thành phố lập hệ thống biển báo chỉ đường, biển báo giới thiệu về các di tích đã được xếp hạng để thu hút du khách đến tham quan và phát huy các giá trị của di tích.
Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Sầm Việt An

Hầu hết các di tích lịch sử cách mạng từ Cao Bằng về Bắc Kạn xuống Thái Nguyên đều gắn với quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và Chính phủ. Vì vậy, kết nối trục di tích lịch sử cách mạng này khi bảo tồn là đòi hỏi bức thiết đặt ra với ba tỉnh.

Ðể tăng cường liên kết, nhất là liên kết khai thác, phát triển du lịch lịch sử văn hóa, về nguồn, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên đang tập trung triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang-Bắc Kạn đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016). Theo đó, phạm vi vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh này có quy mô diện tích lên đến 5.692 km², là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư liên kết cùng phát triển.

Ngoài ra, ba tỉnh đang tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối để hình thành các sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mang đến những trải nghiệm đa dạng về truyền thống cách mạng cho du khách du lịch về nguồn; kết hợp trải nghiệm tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, sinh thái và văn hóa tín ngưỡng.