Gìn giữ tiếng hát bản làng cho thế hệ mai sau
Gìn giữ âm nhạc truyền thống truyền lại cho thế hệ mai sau.
Khắc khoải nỗi lo mai một
Trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, âm nhạc là một phần không thể thiếu góp phần tạo nên bản sắc riêng. Mặc dù là dân tộc rất ít người nhưng người Cờ Lao ở xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) hiện vẫn lưu giữ kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ, trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần và được các thế hệ luôn trân trọng gìn giữ, lưu truyền.
Theo nghiên cứu, người Cờ Lao xã Túng Sán hiện đang thừa hưởng và lưu giữ kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ gồm những bài hát dân ca được lưu truyền miệng trong cộng đồng. Với các dân tộc ít người khác, giai điệu âm nhạc thường theo một mô típ nhất định, còn người Cờ Lao xã Túng Sán thì giai điệu và nội dung âm nhạc tương đối đa dạng, đề cập đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhiều nhất là những bài hát về tình yêu đôi lứa, hát giao duyên.
Tùy theo từng hoàn cảnh mà họ hát những bài hát có nội dung và giai điệu khác nhau, âm nhạc hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi có khách thì hát mời rượu thể hiện lòng mến khách, lúc lại hát trên nương khi đang hái chè hoặc thu hoạch thảo quả, lúc thì hát trong đám cưới để răn dạy đôi vợ chồng trẻ, khi lại hát để giao duyên, tỏ tình với người mình thương... Cứ thế, âm nhạc đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cờ Lao, giúp họ xua đi mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả và giúp gắn kết cộng đồng, làng bản.
Khi có khách đến chơi nhà, bên bếp lửa ấm cúng, người Cờ Lao thường hát bài “Mời rượu”: “Hai chén rượu/ Đầy lại đầy hơn/ Nhờ em nói hộ lòng anh/Đang tràn đầy nhiều điều như mười chén rượu...” để nói lên tình cảm, tấm lòng chân thành, mến khách của mình. Những đôi trai, gái yêu nhau cũng thường mượn lời ca, tiếng hát để bày tỏ tình cảm với người mình thương: “Bố mẹ nói anh không theo hàng lối/Quyền cao chức trọng anh chẳng mơ/Chỉ mong về sau có em giúp anh mọi sự...”.
Trong những dịp diễn ra lễ cưới hỏi, ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên cũng thường răn dạy đôi vợ chồng trẻ về đạo làm con, nghĩa vợ chồng bằng lời ca, tiếng hát: “Nặng nhọc giúp nhau làm/Ốm đau giúp nhau thuốc/Được ăn không quên đũa/Được ở không quên ơn cha mẹ...”. Hoặc phê phán thói cờ bạc: “Tháng năm chơi bạc rằm tháng năm/Con người chơi bạc chịu thiệt thòi/Tháng bảy chơi bạc rằm tháng bảy/Người chơi bạc không có cơm ăn”... Ngoài ra, âm nhạc còn được người Cờ Lao sử dụng trong những dịp hội hè, cúng tế hoặc tang ma và sử dụng các nhạc cụ kèm theo như: Kèn, trống, chiêng, kèn lá, tù và.
Tuy nhiên, chính người dân Cờ Lao hiện nay cũng phải đối mặt với nỗi lo mai một tiếng hát, âm nhạc truyền thống của dân tộc. Thế hệ trẻ hiện tại không còn quá mặn mà với những làn điệu xưa cũng như không hiểu rõ cách chơi các loại nhạc cụ. Nhiều người không thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa trong từng lời ca, tiếng hát mà bao thế hệ người Cờ Lao gìn giữ được cho đến ngày nay.
Đó không chỉ là vấn đề chung của đồng bào dân tộc Cờ Lao mà cũng là nỗi niềm chung của những thế hệ đi trước. Một nỗi lo khác là số lượng nghệ nhân, những người trực tiếp gìn giữ tiếng hát cổ truyền cũng ngày một ít dần. Theo Ban Nghiên cứu Di sản văn hóa phi vật thể, Viện Văn hóa Dân gian, hiện những nghệ nhân cổ nhạc “xịn” chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang tiếp tục hao hụt dần bởi tuổi già, sức yếu. Trong rất nhiều trường hợp, các “bảo tàng sống” này đã mang vào lòng đất lạnh những tinh tuý của âm nhạc dân tộc mà không kịp trao truyền cho lớp kế cận.
Nhiều giá trị lớn nhỏ của cả một kho tàng âm nhạc cổ truyền đang có xu hướng bị mai một, ra đi vĩnh viễn không trở lại… Một số loại hình âm nhạc dường như chỉ còn lại những dư âm của một thời vang bóng. Trên những phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong thị trường băng đĩa, cổ nhạc Việt Nam vẫn là “của hiếm” - ít người nghe, chẳng ai mua. Nhưng nếu có muốn nghe cũng chẳng biết tìm đâu ra. Không cần nói nhiều, ai cũng hiểu đó là một bức tranh quá ảm đạm.
Nghệ nhân truyền thụ âm nhạc với thế hệ trẻ.
Nỗi lo mai một âm nhạc truyền thống.
Gìn giữ cho thế hệ sau
Hiểu được những vấn đề văn hoá đó, có những người đã miệt mài với công cuộc gìn giữ tiếng hát, lời ca của dân tộc. Nghệ nhân Đinh Hữu Tự - một trong số rất ít nghệ nhân biết làm và diễn tấu trống đất – một trong các loại nhạc cụ cổ xưa nhất của người Mường ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ chia sẻ: “Thực sự thời gian qua có rất ít cơ hội để cho mọi người thưởng thức trống đất. Thế nên điều quan trọng của việc duy trì, bảo tồn nhạc cụ dân dã này là làm sao có thể cải tiến để trống đất dễ chơi hơn và phù hợp hơn với đời sống hiện đại hơn. Đây cũng là thực trạng chung đối với các loại trống đất”.
Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Nông, có chàng trai trẻ cũng dành tâm huyết gìn giữ âm nhạc truyền thống của quê hương. Anh Phạm Văn Phương, sinh năm 1977 sống tại bon Bu Bia, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông mang trong người hai dòng máu, bố dân tộc Kinh, mẹ là dân tộc M’Nông.
Sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa đậm bản sắc của dân tộc M’Nông khiến niềm say mê văn hóa dân gian M'Nông, trong đó có đàn đá ăn sâu vào Phương. 5 bộ đàn đá do anh phát hiện và sưu tầm đang mang lại âm hưởng tiếng đàn độc đáo trong các dịp tổ chức lễ hội, hoạt động hội thao trên địa bàn bon, xã, huyện.
Chàng trai trẻ M’Nông sưu tầm được nhiều bộ đàn đá đã được nhiều người biết và nhiều người trong cả nước tìm đến hỏi mua về. “Âm vang cồng chiêng, sắc màu văn hóa và tình yêu với văn hóa dân tộc khiến tôi chưa có ý nghĩ sẽ bán nó đi” - Phương tâm sự. Không những thế, Phương dự định trong tương lai sẽ lại tiếp tục đi tìm, sưu tầm thêm nhiều bộ đàn đá cho mình.
Tình yêu đàn đá đã giúp anh Phương không ngừng đi tìm, phát hiện và gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Bon Bu Bia đã và đang trở thành điểm đến chiêm ngưỡng của những du khách trong và ngoài nước yêu thích vật cổ. Từ những thanh đá vô tri vô giác dưới suối, từ niềm đam mê vật cổ, bộ sưu tầm đàn đá của Phạm Văn Phương đã góp phần đa dạng nhạc cụ cổ của dân tộc M’Nông, góp phần làm phong phú tiếng nhạc cổ trong các lễ hội, liên hoan, hội thao của địa phương.
Tại Nghệ An, cứ ngày chủ nhật hàng tuần, lớp dạy hát dân ca Thái cho người dân bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp tại nhà Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Phiên lại rôm rả hẳn lên. Lớp học có từ 12 - 15 người là con em trong bản. Trong ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, các em xúng xính trang phục truyền thống, say sưa hát các làn điệu dân ca Thái.
Nghệ nhân Lương Thị Phiên chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái, bố mẹ đều là những người có tình yêu sâu nặng với làn điệu dân ca truyền thống, ngay từ nhỏ, tôi đã tiếp xúc với các làn điệu dân ca dân tộc mình nên yêu say đắm”. Tình yêu đó lớn dần theo năm tháng. Khi chưa đầy 10 tuổi, bà đã có thể tự sáng tác, thể hiện những làn điệu như khắp, xuối, lăm, nhuôn…
Trên thực tế, người Thái sống tại Quỳ Hợp khá đông nhưng số người hát được loại hình nghệ thuật này không nhiều, vì vậy, trong bà luôn ấp ủ ước mơ thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca dân tộc Thái. Sau nhiều đêm trăn trở, mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Nhiều năm liền, bà luôn đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhiệm CLB. Ngoài việc duy trì CLB dân ca dân tộc Thái, bà Phiên còn đứng ra mở lớp học truyền dạy dân ca Thái cho tất cả con em mọi lứa tuổi ở trong bản.
Chính những người nghệ nhân, những thế hệ dành trọn tình yêu với âm nhạc cổ truyền đã gìn giữ, bảo tồn và phát triển dòng âm nhạc dân gian, để lại cho thế hệ sau kho tàng âm nhạc quý giá.