Giữ danh dự cho mình là giữ danh dự cho Đảng, cho Tổ quốc
Đó là chia sẻ của Giáo sư (GS) Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - với Báo PLVN xung quanh câu chuyện giữ gìn danh dự của người cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) hiện nay.
Vấn đề thức tỉnh lương tâm trong mỗi con người
Thưa GS, gần đây, trong các bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh:“Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Thông điệp này của người đứng đầu Đảng ta muốn gửi gắm điều gì tới các cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN,TC hiện nay?
- Ngay từ những năm 60, Bác Hồ đã đưa ra một chỉ dẫn vô cùng sâu sắc: “Một Đảng, một dân tộc và mỗi con người xưa nay là vĩ đại nhưng không phải mãi mãi được như thế, nếu lòng dạ hôm nay không còn trong sáng nữa”. Lời nói ấy của Bác như một cảnh báo cho toàn Đảng, cho từng tổ chức, đến từng cán bộ, đảng viên phải luôn luôn thường trực một suy nghĩ là phải giữ gìn cho được danh dự, phẩm giá của mình; phải sống và làm việc sao cho không bị tổn thương, không bị hoen ố về danh dự.
Khi nói “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, chúng ta phải hiểu danh dự như một giá trị, một điểm nhấn quan trọng trong nhân cách; danh dự gắn liền với lương tâm, lòng tự trọng, tự bảo vệ liêm sỉ của mình.
Xét về mặt nào đó thì tham nhũng, bất minh, bất chính, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên vô hình trung đã cung cấp cho thế lực chống đối những cơ hội, những chứng cứ để làm suy yếu chúng ta, gây bất ổn, thậm chí là xuyên tạc bản chất của chế độ và xúc phạm đến Đảng, vì thế phải kiên quyết chống lại.
Khoảng 5 - 10 năm trở lại đây, rất nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý, ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, xử lý hình sự… Tất cả điều đó đã gây nên nỗi dằn vặt đau đớn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, không ai muốn kỷ luật cả, đấy cũng là điều bất đắc dĩ; để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ thì buộc phải làm như vậy, đau đớn mấy cũng phải làm, nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe. Do đó, vấn đề danh dự lúc này trở thành một câu chuyện rất thời sự, một vấn đề bức xúc; đồng thời nó cũng phải trở thành nỗi dằn vặt, lo âu của Đảng, của nhân dân.
Danh dự phải làm sao trở thành một vấn đề thức tỉnh lương tâm trong mỗi con người, trong tổ chức bộ máy của từng đơn vị, địa phương, các cấp, các ngành. Và vì thế cần phải đẩy mạnh giáo dục về danh dự, liêm sỉ, giáo dục lòng tự trọng để làm sao sống đúng, sống tốt, sống đẹp; tránh xa những bất minh, bất chính, những cái hư hỏng có thể xảy ra.
Chống tham nhũng, tiêu cực bằng cả đạo đức và thể chế văn hóa
Theo GS, để hiện thực hóa điều này, từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thực hành như thế nào?
- Tôi cho rằng, muốn đề cao danh dự, phẩm giá phải bắt đầu từ sự nêu gương, mà trước hết là của đội ngũ cán bộ có trọng trách, cấp chiến lược. PCTN,TC đương nhiên là phải sử dụng triệt để luật pháp, nhưng riêng luật pháp thôi không đủ. Muốn thức tỉnh về lương tâm, danh dự thì giáo dục đạo đức cách mạng được xem như một giải pháp bổ sung, hỗ trợ rất có hiệu quả cho chống tham nhũng, tiêu cực.
Tức là, chống tham nhũng không chỉ bằng luật pháp mà bằng các chuẩn mực đạo đức; sâu xa là bằng cả sức mạnh văn hóa: văn hóa trong lãnh đạo, trong quản lý, văn hóa trong công sở, văn hóa của từng cán bộ, đảng viên, kể cả nhân dân... Suy thoái về đạo đức chính là suy thoái trầm trọng về văn hóa. Những tệ nạn tham nhũng, tiêu cực luôn xa lạ với đạo đức, xa lạ với văn hóa và sẽ dẫn đến kết cục là phản phát triển, phản tiến bộ xã hội... Như vậy, chúng ta phải chống bằng cả thiết chế, thể chế văn hóa.
Danh dự nằm trong điều rất thiêng liêng của văn hóa, đạo lý làm người, lẽ sống ở đời. Danh dự của cán bộ, đảng viên nói riêng và danh dự của mỗi con người Việt Nam nói chung cũng sẽ góp phần làm sống động những giá trị, bản sắc của văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa đạo đức…
Nghĩa là, người cán bộ, đảng viên không chỉ giữ gìn danh dự cho mình mà còn phải chăm lo, gìn giữ danh dự cho Đảng, cho tổ chức của mình, thưa GS?
- Xét đến cùng thì danh dự không chỉ nói về phương diện cá nhân của từng con người cụ thể - nhất là người lãnh đạo, người đảng viên - mà đây còn là danh dự của dân tộc, của Tổ quốc, của nhân dân. Biết giữ danh dự cho mình thì biết giữ danh dự cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Danh dự ở đây còn là danh dự của tổ chức, của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, của từng địa phương. Giữ gìn danh dự là giữ gìn bộ mặt tinh thần của con người, những giá trị nhân cách để làm người và những giá trị văn hóa của cả dân tộc.
Từ xưa tới nay, ông cha ta rất trọng đạo lý, trọng danh dự. “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “Chết trong tự do còn hơn sống trong nô lệ”… cũng là vì lẽ đó. Những cán bộ, đảng viên đang được giao trọng trách phải luôn luôn thường trực cho mình suy nghĩ đó để làm việc thật tốt. Như tôi đã nói, bao nhiêu vụ án vừa qua là bài học trả giá đau đớn về vấn đề bảo vệ mình trước mọi cám dỗ tầm thường. Càng những người có uy tín lớn, có ảnh hưởng lớn trong xã hội thì càng phải hết sức chú trọng vấn đề tự bảo vệ mình để làm gương cho mọi người. Nếu làm được như vậy thì xã hội sẽ luôn có nhân tố tích cực để thúc đẩy và sẽ có một môi trường lành mạnh để cổ vũ cho cái tốt, cái đúng, cái đẹp; ngăn chặn cái sai, cái xấu, cái hư hỏng.
Lời căn dặn của Tổng Bí thư nêu lên như một thông điệp “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, chính là bao hàm những ý đó.
Trân trọng cám ơn GS!