Giữ gìn bản sắc cổ để “hút” khách đến Lai Châu
Người dân bản Nậm Mạ với điệu múa truyền thống.
Phát triển du lịch cộng đồng
Lai Châu là tỉnh nằm ở cực Tây Bắc của Tổ quốc có điều kiện tự nhiên phong phú, hấp dẫn như: Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ) được mệnh danh là cung đèo dài nhất Việt Nam. Lai Châu đang tập trung khai thác và quảng bá một số điểm du lịch cộng đồng trọng điểm như bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, bản Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, bản Thẳm, bản Phiêng Tiên, bản San Thàng, bản Gia Khâu…
Trong Top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam do viettrekking.vn bình chọn thì Lai Châu có đến 6 đỉnh núi. Những đỉnh núi cao trên 3.000m so với mực nước biển mà các phượt thủ đều muốn chinh phục như đỉnh Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Chung Nhía Vũ… với rừng đỗ quyên tuyệt đẹp. Lai Châu còn có hệ thống hang động vẫn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ như động Tiên Sơn ở Tam Đường, động Pusamcap ở thành phố Lai Châu.
Con đường đá cổ Pavi nối hai huyện Phong Thổ (Lai Châu) và Bát Xát (Lào Cai) đang trở thành một điểm du lịch không thể thiếu trong cuộc hành trình. Ngoài khu du lịch sinh thái cầu kính Rồng Mây, miền đất biên viễn này còn có 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng.
Lai Châu còn có một lợi thế khác là nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ (Điện Biên), có quốc lộ 4D, quốc lộ 32, 12 và đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Mạng lưới giao thông giúp Lai Châu liên kết với Hà Nội - Điện Biên - Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc), tạo ra một mạch kết nối giao thương hàng hóa và du lịch trên cả tuyến Tây Bắc. Tất cả những yếu tố trên là điều kiện rất tốt để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng độc đáo.
Thực tế, so với giai đoạn trước, du lịch Lai Châu giờ đây đã có những bước bứt phá nổi bật, đang dần dần khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch Tây Bắc. Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày một tăng. Giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch đến Lai Châu đạt 1,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt 14%/năm.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các hoạt động, sự kiện du lịch trong nước không được tổ chức. Năm 2021, ngành Du lịch đón 375.000 lượt khách nội địa, đạt 108,7% so với thực hiện năm 2020. Riêng khách nội địa lưu trú là gần 97.000 lượt khách. Tổng doanh thu ước đạt 239,8 tỷ đồng.
Đông đảo du khách tới thăm bản làng ở Lai Châu.
Giữ bản làng dân tộc truyền thống
Sau hơn 2 ngày đi khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm du lịch trên tuyến thành phố Lai Châu - Tam Đường - Phong Thổ - Sìn Hồ (Lai Châu) với khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, bản Sin Suối Hồ, bản Thẳm, bản Nậm Mạ..., hầu hết các đại biểu trong đoàn du khảo để phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu đều nhận định các điểm bản đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc đầu tư khai thác các giá trị tài nguyên trên địa bàn để phát triển du lịch còn rất hạn chế.
Hiện nay, hệ thống đường giao thông của một số địa phương vẫn còn chưa hoàn thiện hoặc đã xuống cấp dẫn tới việc khó tiếp cận với điểm du lịch (các điểm Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1...). Một yếu tố quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong hoạt động du lịch cộng đồng của người dân còn rất nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp…
Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam đưa ra ý kiến, du khách khi đến với các bản du lịch cộng đồng đều mong muốn gặp được người dân bản địa đúng nghĩa, tuy nhiên điều đó là rất khó. Hay những ngôi nhà truyền thống đúng nghĩa gần như cũng không còn, bị xây dựng méo mó, cơi nới.
“Tôi cho đây là bài toán khó cho du lịch Lai Châu. Tỉnh nên phát triển giá trị văn hóa truyền thống bằng việc thành lập bảo tàng nông thôn, công viên văn hóa để quy tụ các dân tộc thiểu số; tranh thủ hưởng lợi từ du lịch Sa Pa để thu hút khách nhưng phải có hướng đi và đặc trưng riêng của tỉnh”, theo ông Phương.
Ông Dương Đại Lâm, Phó Giám đốc - Đồng sáng lập Indochina Pioneer cho rằng, Lai Châu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch để tổ chức theo tour và bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là điểm nhấn.
“Lai Châu đang là một “viên kim cương thô” nên hiện tại mới chỉ có thể đón các tour du lịch 3 sao do điều kiện cơ sở lưu trú còn kém, nền ẩm thực chưa thực sự ấn tượng và chất lượng. Tỉnh nâng cao các sản phẩm lưu trú và gắn liền với thiên nhiên; có cơ chế chính sách phù hợp, ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ tâm huyết vì họ “làm thật ăn thật” để có những sản phẩm tinh nhất, chất lượng nhất, thay vì “sản phẩm rác”. Lai Châu không nên ồ ạt đầu tư các điểm du lịch làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ” là nhận định của ông Lâm.
Bà Dương Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Du lịch Sovilaco nhấn mạnh, sau khi đi tham quan các điểm du lịch Lai Châu thấy được phong cảnh của tỉnh đẹp nhưng cần có điểm dừng chân để khách chụp ảnh, check-in... Tuy nhiên, tỉnh cũng lưu ý đến vấn đề vệ sinh, đẩy mạnh công tác truyền thông; phát triển du lịch cần gắn với các nghề truyền thống của tỉnh; đường đi giữa các điểm du lịch của tỉnh còn xa, nên kết nối với các tỉnh khác để mở các tour du lịch.
Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam, tỉnh Lai Châu cần quan tâm tập huấn, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch, góp phần mang lại bản sắc của địa phương; đưa du lịch tại bản Sin Suối Hồ trở thành thương hiệu của du lịch cộng đồng ở Lai Châu và khu vực Tây Bắc.
Tại các khu du lịch cần phải phân loại rác ngay từ đầu, nhằm giảm công sức phân loại rác sau này, giúp các điểm du lịch có được một môi trường xanh, sạch, đẹp. Du lịch nông thôn cần quy hoạch những vùng nông sản hữu cơ để thu hút các khách du lịch phân khúc cao, kể cả khách du lịch trong và ngoài nước. Cần nhắm vào một số trọng điểm để đẩy mạnh du lịch, đưa dịch vụ chất lượng cao vào các khu du lịch, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm du lịch Lai Châu…
Tại “Tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu”, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: “Tỉnh Lai Châu xác định, năm 2022 là bước đà mới để du lịch Lai Châu phát triển trong bối cảnh bình thường mới, xây dựng các sản phẩm uy tín và thương hiệu du lịch trên bản đồ du lịch Việt Nam”. Với rất nhiều giải pháp, tỉnh Lai Châu đang tập trung nguồn lực, kêu gọi đầu tư bằng các chính sách ưu đãi để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển các loại hình du lịch, kết nối du lịch nội vùng và liên vùng với mục tiêu đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua của vùng Tây Bắc. Dự kiến, năm 2022, Lai Châu phấn đấu đón 490.000 lượt khách, trong đó có 15.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 437,8 tỷ đồng.