1. Trang chủ /
  2. Giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Việt Nam

Giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Việt Nam

thứ năm, 15/6/2023 22:50 GMT+07
Nhiều cuộc thi âm nhạc dân tộc đã được tổ chức nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sự phong phú, đa dạng, độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; động viên, khích lệ đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc của học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh Bảo Châu) Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc của học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh Bảo Châu)

Kho tàng dân ca và nhạc cụ dân tộc

Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, ngôn ngữ, tiếng nói riêng, trong đó có nền âm nhạc mang sắc thái riêng, bao gồm kho tàng dân ca, nhạc cụ phong phú, đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của đồng bào.

Một trong những nhạc cụ dân tộc lâu đời nhất ở Việt Nam phải kể đến đàn đá. Đây là nhạc cụ thô sơ nhất được làm bằng những viên đá với kích thước và độ dày, mỏng khác nhau. Khi chơi đàn đá, người chơi cùng dùng gùi gõ vào những viên đá để tạo ra các âm vực. Những viên đá to, dày mang âm vực trầm lắng, những viên đá nhỏ, mỏng cho âm thanh vang xa.

Nhạc cụ của người Thái Tây Bắc cơ bản gồm bộ hơi: các loại pí - (sáo dọc), khèn bè; bộ dây: đàn tính, nhị và bộ gõ: trống, chiêng, chũm chọe, quả nhạc… Nhạc cụ truyền thống của người Mông Tây Bắc bao gồm khèn, kèn, trống, chiêng, sáo, cây gậy tiền, đàn nhị, khèn môi, kèn lá… Nhạc cụ của người Ê Đê như cồng chiêng, trống, sáo, khèn, bro, gôc, kni, đàn, đinh năm, đinh ktuk, T’rưng, Ana Kongan được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Hiện nay, tại các vùng có cồng chiêng như ở Tây Nguyên, hàng năm có tổ chức Lễ hội cồng chiêng rất lớn.

Có thể nói, mỗi nhạc cụ dân tộc Việt Nam đều được chế tác tại chỗ, từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của chính những người sử dụng. Mỗi nhạc cụ có một công thức tạo tác và được sử dụng vào mục đích khác nhau.

Nhiều cuộc thi ý nghĩa

Trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc Việt, nhạc cụ dân tộc là yếu tố được các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm hàng đầu. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trở nên cấp bách và có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các dân tộc.

Từ ngày 10 - 14/6, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và từ ngày 20 - 26/6, tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình diễn ra cuộc thi “Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023”. Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Đây không chỉ là sân chơi nghệ thuật nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, từ đó góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, mà còn mang đến cơ hội để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc được thể hiện tài năng, đồng thời được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn.

Cuộc thi cũng là dịp để các đơn vị nghệ thuật rút ra kinh nghiệm, bài học trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng, từ đó tìm được những phương thức hoạt động phù hợp góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.

Theo Ban Tổ chức, cuộc thi thu hút sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ đến từ 38 đơn vị nghệ thuật trên cả nước và chia thi thành 4 bảng. Tại cuộc thi, các đơn vị nghệ thuật tham gia cả hai loại hình độc tấu và hòa tấu, có thể kết cấu thành chương trình nghệ thuật thời lượng 20 - 35 phút. Hội đồng Giám khảo là các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Trước đó, cuối tháng 5/2023, “Hội thi giọng hát dân ca và tài năng biểu diễn nhạc cụ thành phố Hà Nội mở rộng, năm 2023” diễn ra tại Cung Thiếu nhi Hà Nội do Thành đoàn Hà Nội chủ trì. Hội thi được tổ chức ở bốn bảng: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc, độc tấu nhạc cụ dân tộc, tốp ca và đơn ca, với tổng số 120 tiết mục, thu hút hơn 200 học sinh từ 7 đến dưới 16 tuổi tham gia.

Hội thi là dịp để thiếu nhi cả nước giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện năng khiếu và đam mê âm nhạc, đồng thời nhằm phát hiện năng khiếu âm nhạc dân tộc để bồi dưỡng, phát triển nền âm nhạc truyền thống. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 1.000 khán giả là giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh của các trường học trên địa bàn thành phố.

Theo Trưởng Ban Giám khảo, NSND Hoàng Anh Tú, các tiết mục biểu diễn năm nay có sự đầu tư, dàn dựng công phu, nội dung phong phú và có chất lượng cao, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vừa hiện đại, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Các tiết mục tham dự không chỉ thể hiện tài năng, niềm đam mê của học sinh Hà Nội với âm nhạc, nghệ thuật, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc.