Giúp người tiêu dùng nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường
Sáng nay (12/4), tại 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng cục Quản lý thị trường đã chính thức mở cửa Phòng trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường.”
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, từ lâu sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông ý, là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được chính xác loại cây này được trồng ở địa phương nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao, đâu mới là sản phẩm chất lượng.
Do vậy, Tuần lễ "Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường" được tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và sâm trồng tại một số địa phương khác, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
"Thông qua tuần lễ này, Tổng cục Quản lý thị trường muốn tạo ra một diễn đàn, cẩm nang cho người tiêu dùng thông thái, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường," ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Theo số liệu của tỉnh Kon Tum, riêng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có khoảng 1.710ha sâm Ngọc Linh, trong đó có gần 1.700ha là của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và gần 70ha là của người dân, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.
Tại sự kiện, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho hay, muốn trồng được sâm thì yếu tố sống còn đó là phải giữ được rừng, tạo ra vùng đệm an toàn làm môi trường sinh trưởng cho sâm phát triển.
"Thời gian qua, nhờ nhận ra giá trị to lớn và nguồn lợi mang lại trực tiếp từ cây sâm Ngọc Lĩnh mà bà con trên các triền núi cao đã không còn khai thác rừng bừa bãi. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào ngành sâm, tạo ra một bức tranh sôi động về lĩnh vực dược liệu," ông nói.
Tuy vậy, thị trường sâm cũng đối diện với không ít áp lực từ nạn sâm giả hay việc trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác vào gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Chia sẻ cách nhận diện sâm Ngọc Linh Kon Tum, theo lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông, bề mặt sâm có vẻ xù xì, thô ráp do sinh trưởng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên.
Đặc biệt, đốt mắt sần, có nhiều rễ bám, co u cục ở gốc, khoảng cách mắt không đều, nằm so le (hình đốt trúc), củ bé nhưng cân rất nặng (trọng lượng của sâm Ngọc Linh lớn nhất khoảng 300-500g), ăn có vị đắng gắt, sau đó ngọt thanh, thơm giòn không xơ, trong khi một số loại sâm khác có thân trơn, đốt không so le nhau, cách mắt đều, vị đắng gắt và ngái, không thanh ngọt, ăn thấy rát cổ...
Tại sự kiện, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường giao Cục Quản lý thị trường Kon Tum và các địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm thông tin từ quần chúng nhân dân và các địa điểm kinh doanh có biểu hiện gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán sâm Ngọc Linh (hạt, cây giống củ, lá, các sản phẩm chiết xuất) kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không có logo, tem chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh," kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Ban tổ chức cho biết Tuần lễ “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” sẽ trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng 2 nội dung, sản phẩm chính là sâm tươi và các sản phẩm từ sâm.
Trong đó, gian trưng bày chính, sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng củ sâm Ngọc Linh Kon Tum tươi và các loại sâm củ tươi khác như: sâm Lai Châu, sâm Tiết Trúc, củ sâm Trung Quốc, củ sâm Dây, củ Tam Thất rừng, sâm Tam Thất, sâm Lào, sâm Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) cùng các sản phẩm tươi khác từ cây sâm như: lá sâm Ngọc Linh, cây Sâm Ngọc Linh, sâm thất diệp nhất chi hoa, hoa sâm Tam Thất, hoa sâm Ngọc Linh...
Gian thứ hai sẽ trưng bày giới thiệu các sản phẩm từ sâm như: rượu lá sâm Ngọc Linh; rượu hoa sâm Ngọc Linh; rượu sâm Kim Bình Vân Nam, Trung Quốc; rượu Tam Thất Vũ Điệp Sìn Hồ, Lai Châu; rượu sâm Tam thất rừng Sa Pa, Lào Cai; rượu sâm Lai Châu; rượu hoa tam thất Sìn Hồ, Lai Châu… cùng các sản phẩm khác như: trà sâm Ngọc Linh, nước tăng lực sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh K5 Kids, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sâm Ngọc Linh, dịch chiết sâm Ngọc Linh…/.