1. Trang chủ /
  2. Gỡ "điểm nghẽn" cấp nước sạch, nâng cao chất lượng sống cho người dân

Gỡ "điểm nghẽn" cấp nước sạch, nâng cao chất lượng sống cho người dân

thứ tư, 26/4/2023 16:14 GMT+07
Thời gian qua, việc cung cấp nước sạch cho Nhân dân được Hà Nội hết sức quan tâm. Thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng tốc "phủ sóng" nguồn nước sạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Kiểm tra hệ thống cấp nước
Kiểm tra hệ thống cấp nước

Kiểm tra hệ thống cấp nước

Bảo đảm để các hộ dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới tại Thủ đô. Để 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn và mạng cấp nước sạch. Cụ thể, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước, nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85%, tương đương hơn bốn triệu người với hơn một triệu hộ dân, tính đến hết năm 2022.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án cấp nước khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép chậm trễ, nhất là chi phí đầu tư lớn. Người dân chưa đấu nối, sử dụng ít, cho nên không bảo đảm cân đối thu - chi. Trên địa bàn thành phố còn 149 xã chưa được cấp nước sạch, trong đó có 121 xã trước đây thành phố đã giao cho các nhà đầu tư thực hiện, còn 28 xã chưa có nhà đầu tư cần kêu gọi nhà đầu tư tham gia.

Đáng chú ý, giá bán nước sạch là vướng mắc lớn nhất với các nhà đầu tư. Nhiều đơn vị thực hiện dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn phản ánh, theo Quyết định số 38 ngày 19/9/2013 của UBND thành phố Hà Nội, giá nước sinh hoạt được tính theo bậc thang. Với 10m3 đầu tiên, nhà đầu tư đang chịu lỗ; Từ 10m3 trở lên mới bảo đảm cân đối đầu tư và có lãi. Nếu ở khu vực đô thị, các hộ dân chỉ có một nguồn nước, lại có nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất sử dụng nhiều sẽ tính giá lũy kế cao hơn thì khu vực nông thôn người dân còn có nước mưa, nước giếng khoan, cho nên sử dụng rất ít, phần lớn chỉ sử dụng khoảng 10m3/hộ dân. Trong khi đó, chi phí đầu tư mạng lưới khu vực nông thôn lại cao hơn, do khoảng cách giữa các thôn, xóm, hộ dân cách xa nhau..., khiến các chủ đầu tư không mặn mà hoặc bỏ cuộc.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá nước sạch được Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố, 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, do đó đây cũng chính là vướng mắc khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Trên thực tế, từ năm 2019, thành phố Hà Nội đã xây dựng lộ trình điều chỉnh giá nước sạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên kế hoạch vẫn trì hoãn từ đến nay. Sau 2 năm trì hoãn, đây chính là thời điểm thích hợp để tiến hành điều chỉnh các quy định liên quan giá nước sạch, từ đó góp phần bảo đảm quyền lợi cho người dân ở cả đô thị và nông thôn. Việc điều chỉnh này sẽ là "động lực" giúp các nhà đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án nước sạch nông thôn, giúp tiến gần hơn đến mục tiêu 100% tỉ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch.

Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, hiện nay chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đều tăng, dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch để vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, vừa khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm; Đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, chống thất thoát, thu hút việc đầu tư vào sản xuất, phân phối nước sạch, nhất là nước sạch nông thôn. Việc tăng giá nước sạch được thực hiện từng bước trong điều kiện, khả năng của người dân để có lộ trình điều chỉnh phù hợp và không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Cử tri huyện Sóc Sơn nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 25/4

Với mong muốn nước sạch về với người dân nông thôn, tại cuộc tiếp xúc cử tri chiều nay (25/4), tại huyện Sóc Sơn, cử tri Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện kiến nghị: Hiện nay Nhân dân nhiều xã của huyện còn thiếu nước sạch trầm trọng, Nguyên nhân là do 18/26 xã, thị trấn chưa được lựa chọn nhà đầu tư cấp nước sạch. Do đó, đề nghị TP quan tâm, chỉ đạo, sớm lựa chọn nhà đầu tư cấp nước sạch cho người dân. Trong đó ưu tiên các xã vùng ảnh hưởng môi trường, xã xây dựng Nông thôn mới nâng cao…

Liên quan đến vấn đề nước sạch cho người dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong số 18 xã chưa được cấp nước sạch của huyện Sóc Sơn, TP đang chỉ đạo cấp nước sớm trong năm 2023 cho 11 xã; Đối với 7 xã còn lại, sẽ phải đấu thầu rồi mới tổ chức thi công nên sẽ cần thêm thời gian để nước sạch đến được với người dân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm: Từ năm 2013 đến nay, tiền nước không tăng. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với đầu tư nước sạch. Do đó sắp tới, TP sẽ tính toán lại giá nước sạch, trong đó ưu tiên về giá 10m3 đầu tiên, đặc biệt là cho người nghèo. Các đối tượng khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn.