Gỡ khó đấu thầu, các bệnh viện lên kế hoạch sửa chữa, mua sắm trang thiết bị
Sớm khắc phục, sửa chữa đưa thiết bị vào hoạt động
Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngay khi có Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ gỡ những khó khăn về mua sắm trang thiết bị, vật tư, thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh viện đã liên hệ với các nhà cung ứng và sẽ trở lại mổ phiên như bình thường vào giữa tháng 3 này.
Trước đó, do thiếu vật tư, hóa chất, từ ngày 1/3/2023, Bệnh viện Việt Đức đã tạm hoãn mổ phiên, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, bệnh nhân nặng.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, năm 2022, đã thực hiện gần 80.000 ca mổ phiên và mổ cấp cứu, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ. Đây là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt có số lượng ca mổ nhiều nhất cả nước.
Không chỉ tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh viện khác cũng bắt tay ngay vào việc triển khai 2 văn bản để nhanh chóng tiến hành mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị đang rà soát từng thiết bị xem sau thời gian dừng hoạt động cần phải khắc phục, sửa chữa như thế nào để đưa vào phục vụ khám, chữa bệnh.
“Thiết bị nào còn hoạt động được, đảm bảo chuyên môn thì sẽ làm các thủ tục để sớm đưa vào phục vụ người bệnh. Với máy móc, thiết bị cần sửa chữa, bệnh viện sẽ phục hồi, khắc phục đưa vào hoạt động, sớm đưa máy đặt, máy mượn trở lại hoạt động”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Được biết, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 2.000 mặt hàng cần đấu thầu mua sắm phục vụ chẩn đoán, khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khoảng 2/3 trong số đó không có công ty tham gia đấu thầu cung ứng hoặc có giá tham chiếu cao. Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nhận định khi yêu cầu nêu trên được bãi bỏ, nút thắt về giá được tháo gỡ.
Tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy tạo thuận lợi cho việc mua sắm
Mới đây, tại hội nghị phổ biến Nghị quyết 30/NQ-CP về thanh toán bảo hiểm y tế, đấu thầu trong y tế và Nghị định 07/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế, đại diện các cơ sở y tế cho rằng, tuy chính sách mới đã tạo thuận lợi hơn cho các bệnh viện, các cơ quan liên quan cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy tạo thuận lợi cho việc mua sắm mang tính chất chuyên ngành, chứ không áp dụng mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị như mua sắm hàng hóa thông thường.
Đại diện các đơn vị mong muốn, đối với những loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế độc quyền, chỉ có một đơn vị sản xuất, cung ứng, nên chuyển sang hình thức đàm phán giá thay vì tổ chức đấu thầu như hiện nay.
Một số đơn vị thắc mắc về việc những hướng dẫn trong Nghị quyết 30 mới chỉ mang tính tạm thời, liệu sau này có được chấp nhận khi thanh tra, kiểm toán hay không. Đồng thời đề xuất việc cần triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành Y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã rất kịp thời tháo gỡ những cơ chế hiện nay đang vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.
Do đó, đối với những gói thầu đã được ký kết thì các trang thiết bị có thể nhập khẩu được ngay, còn những gói thầu mới cũng đã có cơ chế để xử lý. Cũng theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, một ngày sau khi Nghị định 07 được Chính phủ ban hành, đã có một số lô hàng trang thiết bị y tế được thông quan nhập khẩu nhằm phục vụ cho nhu cầu của các cơ sở y tế.
Đại diện Bộ Y tế cũng bày tỏ tin tưởng, về cơ bản trong vòng 3- 6 tháng tới, nhịp độ cung cấp trang thiết bị y tế cho nhu cầu của các cơ sở y tế sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Khi đó, người dân tham gia khám, chữa bệnh sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải tự đi mua như những ngày gần đây.
Về giá thiết bị y tế, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để sắp tới khi xây dựng Luật Trang thiết bị y tế có thể thể chế hoá làm sao để phù hợp trên nguyên tắc hài hoà lợi ích của 4 bên là Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở y tế và đặc biệt là người bệnh.
“Về lâu dài như trong Nghị quyết 30 cũng đã nêu, các bộ, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về thể chế. Có một số văn bản phải hướng dẫn ngay trong năm nay, nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật Đấu thầu cũng như Luật Giá, trong đó có những điểm phải thể hiện đặc thù trong công tác quản lý của ngành Y tế”, ông Nguyễn Minh Lợi nhấn mạnh.