Góc tối “ngôi sao livestream”
Ảnh minh họa
Từ bán hàng online thành “sao”
Những năm gần đây, hình thức bán hàng thông qua livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) trở nên rất phổ biến. Theo phân tích của các chuyên gia, livestream có những ưu điểm vượt trội so với nhiều phương thức bán hàng online khác. Livestream mang lại tính cộng đồng, giải trí, sự tương tác phản hồi ngay lập tức giữa người bán hàng và khách hàng cao hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống khác. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng livestream sẽ trở thành “tương lai của ngành thương mại điện tử”, “ăn đứt” những hình thức trước kia như bán hàng online.
Thị trường thương mại điện tử của các nước lân cận Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan nhiều năm qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ livestream. Nhất là tại Trung Quốc, nơi ngành livestream mang lại doanh thu khủng khiếp cho các nhà bán lẻ và biến không ít người bán hàng livestream thành “ngôi sao”, tỉ phú có sức ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong ngành thương mại điện tử mà còn chi phối cả các ngành khác. Thế hệ “ngôi sao” livestream của Trung Quốc livestream bán rộng rãi các ngành hàng, từ thời trang, mỹ phẩm cho đến xa xỉ phẩm như ôtô, du thuyền...
Có thể kể đến một số “ngôi sao” trong lĩnh vực livestream Trung Quốc như Lý Giai Kỳ (Austin Li), Trương Đại Dịch, Vi Á... Lý Giai Kỳ là “ngôi sao” livestream hàng đầu Trung Quốc, từng lập kỉ lục khi kiếm được số tiền tương đương 1,8 tỉ USD trong một buổi livestream bán hàng kéo dài liên tục 12,5 giờ trên trang mua sắm trực tuyến Taobao tại Trung Quốc. Còn Vi Á được mệnh danh là “nữ hoàng livestream Trung Quốc”, sở hữu khối tài sản ước tính 1,4 tỷ USD và có mặt trong danh sách 500 tỷ phú của Trung Quốc năm 2021.
“Cơn sốt livestream” đã khiến không ít người trẻ Trung Quốc và nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam mất ăn, mất ngủ, bỏ công việc, đam mê chỉ để phấn đấu thành “ngôi sao livestream”, được nổi tiếng và kiếm doanh thu khủng như các “thần tượng”.
Tại Việt Nam, hình thức bán hàng livestream chỉ mới phát triển mạnh trong hơn hai năm trở lại đây. Khác với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đa dạng sản phẩm kinh doanh thông qua livestream, các cá nhân bán hàng livestream tại Việt Nam thường bán hàng “đánh” vào tâm lý thích mua đồ tốt với giá rẻ. Phổ biến nhất là các mặt hàng kem trộn và sản phẩm thời trang, giả, nhái các thương hiệu lớn.
Hàng kém chất lượng, nhập vào giá thấp bán ra giá cao, bán số lượng lớn, số người giàu lên nhờ bán hàng livestream không ít. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ thuộc làng giải trí cũng dần rời bỏ nghệ thuật để tập trung bán hàng livestream như Trang Trần, cặp đôi Lương Bằng Quang và Ngân 98...
Ngoài ra, có một lực lượng lớn người bán hàng livestream trở nên nổi tiếng, như “doanh nhân Hoàng Hường”, “cô Minh Hiếu” chuyển giới, Trần Đoàn, Trần My, Trang Nemo...
“Cô Minh Hiếu”, một “ngôi sao livestream” đang được nhiều cư dân mạng yêu thích.
Chiêu trò “câu khách”
Đáng lưu ý, những người hay mua hàng livestream tại Việt Nam dường như hay quan tâm đến chiêu trò của người bán hàng hơn việc quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
Trang Trần, một cựu người mẫu vẫn bán đông khách ào ào, từ nước hoa đến kính mắt hàng hiệu quốc tế trị giá... vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đặc điểm gây chú ý của Trang Trần có lẽ là vừa bán hàng vừa... chửi. Còn cặp đôi Lương Bằng Quang - Ngân 98 thì có hình ảnh “nóng” ngay trên sóng livestream để bán đồ lót.
Với những người bán hàng thông thường, con đường trở thành “ngôi sao livestream” với doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng cũng phải vận dụng không ít chiêu trò. “Doanh nhân Hoàng Hường” nổi tiếng với những màn livestream chửi, nhiều chiêu thức bán hàng gây chú ý. Tiếng tăm càng lên, lượng hàng bán ra càng lớn. Thậm chí, người phụ nữ này mới đây còn bỏ ra hàng tỉ đồng để tổ chức “họp fan” với số người tham gia hàng ngàn, hơn cả nhiều “ngôi sao” nổi tiếng trong showbiz Việt.
“Cô Minh Hiếu” cũng là một nhân vật nổi tiếng trong giới bán hàng livestream. “Cô” từng có những chiêu như đeo vòng vàng đầy người từ đầu đến chân, khoe 7 quyển sổ đỏ hay livestream ngoài đường phố với cảnh “người hâm mộ” vây quanh đông nghịt đến kẹt xe.
Đấu khẩu, đánh nhau cũng là một trong những “chiêu” thường dùng của các “ngôi sao livestream”. “Cô Minh Hiếu” từng có cuộc chửi nhau online dài cả tháng trời với “ngôi sao livestream” Trần Đoàn. “Hot girl livestream” và Trang Nemo từng xảy ra vụ đánh nhau được livestream gây xôn xao cư dân mạng...
Để trở thành “ngôi sao livestream”, nhiều người bán hàng đã sử dụng các kiểu chiêu trò để “câu khách”. Có người ở trần bước vào thau kem trộn vừa bôi khắp người vừa quảng cáo, có người tổ chức một nhóm nhảy múa “điên cuồng” hay đem cả con cái ra “câu view”.
Vì hám lợi, không ít “ngôi sao livestream” đã vi phạm pháp luật. Có “hot girl livestream” đã bị bắt với kho hàng lậu gần cả tỉ đồng, hay như mới đây, “hot girl livestream” Thanh Phương ngụ Đà Nẵng đã bị bắt vì livestream chào hàng nước nho ma tuý.
Dùng trò lố để nổi tiếng, gây mất trật tự trị an, vi phạm pháp luật... là những mặt tối xảy ra không ít trong lĩnh vực bán hàng livestream của Việt Nam. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có sự can thiệp mạnh tay để đưa hành vi bán hàng livestream “vào khuôn khổ”, hạn chế việc kiếm tiền bất chấp dựa trên sự “đầu độc” cộng đồng.