Gốm cổ Bát Tràng "kể chuyện"
Triển lãm chia làm ba giai đoạn: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14, thế kỷ 15-18 và thế kỷ 19-20. 39 hiện vật trưng bày tại triển lãm phần lớn được khai quật từ di tích Kim Lan (một xã liền kề phía nam Bát Tràng), ở Hoàng Thành Thăng Long.
Những cuộc khai quật từ các năm 2001-2003 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu đã cho thấy, các hiện vật hầu hết có niên đại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 19-20, đặc biệt là các tầng văn hóa có niên đại thế kỷ 9-10 và thế kỷ 13-14. Trong đó, số lượng lớn các di vật là đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần giống sưu tập gốm men đã biết ở Đa Tốn.
Bên cạnh đó, còn có các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất gốm tại chỗ như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men… cho thấy nơi đây là một vùng sản xuất gốm cổ có quy mô lớn.
Những cổ vật được trưng bày tại triển lãm phần lớn là đồ thờ cúng, tâm linh, chỉ có một số ít là bát, lọ, bình, còn lại là chân đèn, lư hương… Những hiện vật thời kỳ thế kỷ 14 phần lớn là men lam, đường nét có thô phác, mờ nhạt. Đây là loại gốm được các nhà nghiên cứu gọi là "tiền men lam" đánh dấu sự ra đời của dòng gốm men này và nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật trong thế kỷ tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời.
Ở thời kỳ này, do ảnh hưởng của kỹ thuật trang trí gốm hoa lam, dòng gốm hoa nâu cũng có sự chuyển biến về kỹ thuật vẽ bằng bút lông dưới men.
Thế kỷ 15-18 có thể coi là thời kỳ gốm Bát Tràng phát triển rực rỡ nhất lúc bấy giờ về mặt kỹ thuật, màu sắc, tạo hình. Nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao. Bát Tràng giai đoạn này đã có các sản phẩm nổi tiếng: gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn... phục vụ rộng rãi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Những chiếc lư hương hoa lam, được đắp nổi cầu kỳ hình rồng tỉ mỉ đến từng chi tiết: mắt, mũi, móng, vẩy, vây, thậm chí cả hình hoa sen, mây cũng được trổ nổi cực kỳ công phu. Chân đèn vẽ hoa lam, đắp nổi rồng và hoa cúc. Phần dưới của lư hương hình hoa lam, đắp nổi cánh sen trang trí hình rồng, phượng trong ô trổ thủng.
Đôi nghê đội chân đèn được trang trí công phu với những đường chạm nổi tỉ mỉ, mặc dù kích thước đôi nghê không hề lớn, nhưng tất cả những chi tiết trang trí trên nghê, từ miệng, răng, móng vuốt, mắt, bờm… đều được thể hiện tinh vi và sống động.
Thậm chí, một mô hình nhà nhưng được tạo tác hết sức tỉ mỉ, từng chi tiết từ rồng, mây, trăng, hoa cúc… cho đến mái nhà, vì kèo, chạm trổ đầu rồng, ngói, các chi tiết trang trí mái… đều được làm rất kỹ và rất thật.
Giai đoạn từ thế kỷ 19-20, các hiện vật cho thấy đã có sự tiếp nhận, thừa kế những kỹ thuật của giai đoạn trước, nhưng đã được nâng cao hơn. Những sản phẩm men rạn được tạo ra từ sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Có loại rạn do thời gian, nhưng cũng có loại rạn do sai sót kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Gốm men rạn Bát Tràng là một loại men độc đáo được chủ động tạo ra và khống chế độ rạn, hình dáng vết rạn thích hợp theo ý đồ, tạo cho sản phẩm vẻ đẹp cổ kính, độc đáo.
Nhiều sản phẩm gốm thời kỳ này trưng bày ở triển lãm cho thấy, kỹ thuật đắp nổi, điêu khắc vẫn được giữ nguyên, nhưng các nghệ nhân đã tự do sáng tạo trên nền các loại men mới như men rạn, men nhiều màu… Đề tài cũng đã phong phú hơn với nhiều điển tích du nhập từ Trung Quốc như “ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”, “Tam quốc chí”, “Bát tiên quá hải”, “Long Mã - Hà Đồ”, “Thần Quy - Lạc Thư”… Tuy nhiên người thợ gốm Bát Tràng đã có cách thể hiện riêng biệt, tạo nét đặc trưng.
Một điểm đặc biệt của gốm sứ Bát Tràng là trong giai đoạn thế kỷ 16-17, các sản phẩm có khắc minh văn trên gốm, viết, khắc hoặc đắp nổi bằng chữ Hán - Nôm.
Phần lớn các đồ gốm có minh văn là đồ thờ được đặt hàng làm để cung tiến vào các đình, chùa, đền, quán. Minh văn có thể là một vài câu thơ, đoạn thơ, niên đại, nguồn gốc sản phẩm, họ tên người làm ra…
Thí dụ như ở chiếc lọ men rạn “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” có viết những câu thơ, dịch nghĩa như sau: “Trên sông hồ mênh mông một ông chài/ Con cò và con trai cặp giữ nhau, cuối cùng đều không được gì/ Chớ ngạc nhiên thấy người già coi nhẹ món lợi/ Đến nay còn giáo mác đánh nhau để tranh hùng”.
Làng gốm Bát Tràng lâu nay vẫn nổi tiếng không chỉ với sản phẩm gốm mà còn với sự sáng tạo không ngừng trong kỹ thuật sản xuất gốm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có cơ hội để tìm hiểu ngọn nguồn những câu chuyện thú vị về lịch sử của làng gốm, quá trình hình thành và phát triển rực rỡ của những sản phẩm gốm qua nhiều giai đoạn.
Triển lãm “Gốm cổ Bát Tràng” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã đem đến cho người xem một phần tinh hoa của làng gốm từ nhiều thế kỷ qua, để thấu hiểu và yêu mến hơn những giá trị văn hóa của dân tộc.