Hà Giang nâng tầm giá trị nghệ thuật văn nghệ dân gian
Nhằm tổ chức giới thiệu tới du khách những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc, ngành văn hóa Hà Giang đã chú trọng sưu tầm chất liệu dân tộc để nâng tầm thành các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, hấp dẫn tạo sức lan tỏa trong công chúng.
Tiếng khèn Mông da diết nao lòng, vang vọng giữa núi rừng được nghệ thuật hóa trên sân khấu biểu diễn mang hồn khèn với câu chuyện kể về huyền thoại cây khèn, về lời tự tình của chàng trai Mông gửi gắm vào tiếng khèn, sự dũng cảm, khéo léo và mạnh mẽ trong cách say khèn, phiêu khèn... Âm nhạc dân gian, vũ điệu dân gian, sự huyền bí của các lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, cầu mùa, múa trống của dân tộc Lô Lô, cúng trâu của dân tộc La Chí, Cấp sắc của dân tộc Dao… đều được sưu tầm trở thành các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp như tác phẩm “Lửa thiêng”, “Hồn Trống”, “Người được chọn”, “Cấp sắc”… Những âm thanh của núi rừng va vào tiếng đá tai mèo được chuyển thể thành những tác phẩm “Tiếng vọng từ trong lòng đá”, “Nghe đá kể chuyện”.
Đặc biệt từ các chất liệu dân ca dân tộc như dân ca Mông, tiếng Shi, tiếng Lượn, đàn Tính… đã được các nhạc sĩ sử dụng làm chất liệu âm nhạc vừa mang tính dân tộc vừa phù hợp với hơi thở thời đại như các tác phẩm: “Nàng ới”; “Cây đàn Tính quê em”, “Người Mèo ơn Đảng”,… Những tập quán tín ngưỡng dân gian, tập quán lao động sản xuất cũng được các nhạc sĩ, biên đạo chuyển thể thành các tác phẩm “Tiếng đe lao xa”, “Sắc màu Hà Giang”; “Nơi rừng thiêng”, “Hà Giang gấm hoa”…
Các tác phẩm nghệ thuật được khai thác từ chất liệu dân tộc đã được Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang lựa chọn tham gia các Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc được đánh giá cao và đạt các Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các kỳ hội diễn, đến nay Hà Giang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho 3 nghệ sĩ, gồm: Vương Ngọc Vấn, Đinh Tiến Bình và nghệ sĩ múa Ma Thị Nết.
Có thể khẳng định, hướng đi khai thác chất liệu văn hóa truyền thống dân tộc để sáng tác những tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, đánh thức giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch; đồng thời cũng là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên nâng cao nghiệp vụ, tỏa sáng trong các sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.
Từ thành công đó, hàng năm ngành văn hóa, thể thao và du lịch đều giao chỉ tiêu cho Đoàn nghệ thuật tỉnh tổ chức sưu tầm, sáng tác từ 5 đến 6 tác phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng và tham gia các chương trình do Trung ương, khu vực tổ chức; đồng thời tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, hàng năm ngành tổ chức các liên hoan, hội diễn với quy mô cấp tỉnh để tạo sân chơi, kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, đồng thời định hướng sáng tác cho các văn nghệ sĩ góp phần khai thác các chất liệu dân tộc để giúp lan tỏa văn hóa dân tộc tới công chúng, khách du lịch.
Ngày nay du khách trong nước và quốc tế đều mong muốn được tìm hiểu, thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống và đó chính là cơ hội mở ra cho Hà Giang - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân tộc độc đáo hấp dẫn hướng đi bảo tồn văn hóa, lấy văn hóa làm nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch địa phương.