Hà Giang: Nghi án rừng phòng hộ bị xâm phạm nghiêm trọng để khai thác khoáng sản?
Những người dân thuộc thôn Riềng, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) không khỏi ngỡ ngàng, khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh nhiều nghìn m2 đất rừng tự nhiên bị đảo lộn bởi những cỗ máy xúc khổng lồ cày xới không thương tiếc.
Ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh. Ngày 12/2/2022, nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực tế sự việc.
Không khó để phát hiện, địa điểm khai thác khoáng sản nằm khuất sau dãy núi. Bởi một con đường mới mở rộng gần chục mét, dài khoảng 1 km nối từ đường giao thông ĐT-185. Dẫn chúng tôi vào một mỏ quặng Manggan, đang bị đào bới nham nhở.
Để có con đường vận chuyển quặng hoành tráng vắt ngang trên sườn núi như thế này, người ta đã đánh đổi cả cánh rừng nguyên sinh thuộc diện đầu nguồn.
Lật tung gốc rễ hàng trăm cây gỗ to nhỏ các loại, tạo thành vách ta luy dựng đứng luôn có nguy cơ lở sạt. Những vệt đỏ lòm lẫn lộn cây con và đất đá, trôi trượt vùi lấp xuống lòng khe bờ suối.
Đi sâu vào trong núi, chúng tôi phát hiện 3 chiếc máy cuốc khổng lồ, cùng các thiết bị máy móc tập kết la liệt.
Hàng trăm khối đất đá nhiễm quặng được cày xới, cùng những đống quặng Manggan đen sì nằm rải rác trên mặt đất.
Hệ thống hầm lò xiên ngang rồi cắm sâu vào lòng núi đá được kè bằng các bao tải chứa đựng đầy đất cát, và chống đỡ bằng gỗ tương đối chắc chắn.
Sẵn có gỗ rừng phòng hộ, người ta mặc sức đốn hạ nhiều cây to thẳng rồi chất thành đống to lù và vứt bừa bộn lãng phí ngay gần miệng hố quặng.
Phía trên bãi đào bới hổ lốn này là cả khu rừng đại ngàn, đang trong tình trạng báo động có thể đổ ụp bất cứ lúc nào.
Những phiến đá đồ sộ bằng cả gian nhà bị ảnh hưởng dư chấn nằm bấp bênh như những cái bẫy khủng mà ai nhìn cũng rùng mình hoảng sợ.
Còn phía dưới những vầng đất lớn hàng chục m3 đã lở sạt theo hướng đổ thải, tống thẳng xuống vực sâu hàng trăm mét.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm các quy định, quản lý sử dụng, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Phóng viên đã vào vai người đi lạc đường, để tiếp cận một số công nhân lái máy và bảo vệ mỏ.
Được biết ông chủ của họ tên là P, nhà ở tỉnh Thái Nguyên. Kết hợp cùng một Công ty ở Hà Giang mua đất rừng của người dân để khai thác triệt để quặng Manggan. Dẫn đến hậu quả hủy diệt môi trường nghiêm trọng như hiện nay.
Anh Lý Văn Đ thợ lái máy cho biết : "Vỉa quặng ở đây nó chạy dích dắc lắm, rất khó làm nên cứ phải cuốc nhiều chỗ, đào lên rồi lại lấp xuống trả đất cho người dân họ trồng cây keo.
Việc khai thác chủ yếu là sử dụng công nhân khai thác trong hầm lò khoét sâu trong lòng núi. Kia là dãy lán trại đảm bảo cho hàng chục công nhân ăn ở sinh hoạt. Mấy hôm nay anh em về nghỉ tết, chỉ còn mấy người ở lại trông coi tài sản thôi".
Được hỏi về hiện tượng đốn hạ bừa phứa gỗ rừng làm vật liệu gia cố hầm lò như thế này có vi phạm không ?
Anh Đ trả lời: "Rừng này là rừng phòng hộ được anh P người Thái Nguyên và các sếp ở đây mua lại cả rồi, nên đã thuộc quyền sở hữu của mỏ.
Cứ lấy gỗ, lấy quặng rồi trả lại đất cho người ta là được... Nói xong anh Đ nhảy phắt lên cỗ máy xúc màu xanh gần đó nổ máy, hối hả làm việc không thèm để ý đến nhóm phóng viên ngơ ngác đứng nhìn.
Ông Vương Văn Bường – Trưởng thôn Riềng thì khẳng định: "Tôi cũng chỉ nghe nói là có giấy tờ thủ tục, chứ chưa được nhìn thấy bao giờ?
Hôm họ bắt đầu mở đường cũng thấy Kiểm lâm khu vực, cùng Phó chủ tịch huyện Vị Xuyên và địa chính xã vào kiểm tra, họ nói đây là rừng sản xuất nghèo kiệt.
Còn thực tế như nào tôi không rõ lắm, chỉ biết là người ta đã làm ở đó hơn 1 năm rồi. Nói chung là người dân bị ảnh hưởng lắm nhưng chúng tôi chẳng có chuyên môn nghiệp vụ gì nên đành chịu. Hơn nữa tôi cũng mới làm trưởng thôn nên cũng chưa rõ lắm !"
Anh N (một người dân trú tại thôn Riềng) cho biết: "Không hiểu đây là đơn vị nào từ đâu đến, họ đã khai thác quặng ở đây khoảng gần 2 năm nay rồi. Trước chở quặng theo lối trong kia làm hỏng hết đường bê tông. Dân phản đối nhiều quá họ mới mở con đường này được khoảng gần 2 tháng nay thôi.
Cứ tình trạng này, khoảng tháng 4 – 5 nước mưa sẽ đẩy hết bùn, đất thải cùng rác rưởi xuống lấp hết đồng ruộng của người dân phía dưới. Năm ngoái cũng vậy, họ làm thiệt hại nghiêm trọng mà đã đền bù thỏa đáng cho dân đâu ?
Mấy hôm nay là nghỉ tết mới im ắng thế này, chứ trước tết thì inh tai nhức óc suốt ngày đêm, tiếng cây đổ tiếng máy xúc, máy khoan rầm rầm, xe chở quặng cũng xồng xộc quần thảo. Rồi cái tuyến đường ĐT – 185 chẳng mấy chốc mà lún nát chứ chịu làm sao nổi sức nặng của những xe tải trọng lớn .
Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần đến xã nhưng cũng chẳng tác dụng gì cả. Chính quyền xã cử cán bộ địa chính là anh Hiếu cùng đoàn kiểm tra có đến rồi về, xong tất cả lại vẫn y nguyên như cũ", anh N bức xúc .
Trước thực trạng vô cùng cấp bách, việc hủy hoại rừng tiềm ẩn nhiều hiểm họa, cần phải có biện pháp ngăn chặn ngay. Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã liên lạc với ông Lý Xuân Bình - Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh để làm rõ về việc nghi vấn rừng phòng hộ bị xâm phạm nghiêm trọng để khai thác quặng. Tuy nhiên ông Bình cho biết sẽ kiểm tra và thông tin lại sau.
Phóng viên tiếp tục trao đổi với ông Nông Việt Hùng- Giám đốc Rừng phòng hộ huyện Vị Xuyên, ông Hùng cho biết: "Sau khi nhận được thông tin của PV, tôi đã đi kiểm tra thì hình như khu vực khai thác quặng không nằm trong diện tích rừng phòng hộ mà UBND tỉnh giao cho chúng tôi quản lý".
Ông Hùng cho biết thêm: "Khả năng khu vực khai thác quặng nằm trong diện tích rừng sản xuất do UBND xã và người dân quản lý".
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Cơ quan công an và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ hành vi chặt phá rừng để khai thác quặng Mangan, đồng thời truy trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức có liên quan nếu để xảy ra sai phạm.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.