1. Trang chủ /
  2. Hà Giang tính thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn, chuyên gia UNESCO nói gì?

Hà Giang tính thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn, chuyên gia UNESCO nói gì?

thứ sáu, 23/6/2023 18:17 GMT+07
Ông Guy Martini - Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đồng tình với định hướng thu phí tham quan Công viên địa chất (CVĐC) cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.
Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: tư liệu Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: tư liệu

Thông tin Hà Giang dự kiến thu phí với khách tham quan CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn thông qua lượt lưu trú, cụ thể với người lớn là 30.000 đồng mỗi đêm, trẻ em là 15.000 đồng mỗi đêm, đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. 

Nhiều du khách cho rằng, cao nguyên đá Đồng Văn là cảnh quan thiên nhiên ban tặng, nên để du khách tham quan miễn phí. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, du khách thắt chặt chi tiêu khi du lịch, việc thu phí có thể làm giảm lượng khách tới Hà Giang.

Chợ phiên Mèo Vạc, Hà Giang tấp nập người dân và du khách. Ảnh: Võ Minh Thiên
Chợ phiên Mèo Vạc, Hà Giang tấp nập người dân và du khách. Ảnh: Võ Minh Thiên

Trả lời báo chí, ông Guy Martini - Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho biết: "Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ định hướng thu phí tham quan CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn. Việc thu phí vốn được áp dụng phổ biến ở rất nhiều quốc gia châu Âu và khắp thế giới, nhằm mang lại nguồn thu bổ sung cho các địa phương, vùng lãnh thổ".

Năm 2018 và 2022, các chuyên gia của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã có những khuyến nghị tới Ban quản lý CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn để bảo tồn, phát triển CVĐC, trong đó có việc thu phí của khách du lịch lưu trú qua đêm.

Vị chuyên gia cho rằng, với du khách quốc tế, việc chi trả khoản phí 30.000 đồng - 40.000 đồng cho một đêm lưu trú hoàn toàn có thể thực hiện. "Họ sẽ đồng tình tuyệt đối nếu số tiền này được sử dụng để bảo tồn và quản lý tốt hơn nữa khu vực CVĐC", ông Guy nhấn mạnh.

Theo ông Guy Martini, CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích rộng lớn với hơn 50 địa điểm có thể mở cửa phục vụ du khách qua bốn tuyến du lịch khác nhau. Những địa điểm này đều cần được bảo trì thường xuyên. Đồng thời, vùng công viên địa chất này là nơi sinh sống của 17 dân tộc. Ông Guy đánh giá đây là khu vực hiếm hoi trên khắp hành tinh có sự đa dạng về dân tộc như vậy. 

"Chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức cần hỗ trợ, nghiên cứu sâu sắc văn hóa địa phương để bảo tồn và truyền lại cho thế hệ trẻ. Với tư cách là công viên địa chất của UNESCO, CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn cần đem lại sự phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương thông qua việc quảng bá sản phẩm, các chính sách hợp tác với đơn vị lữ hành, lưu trú... Để đảm bảo các quy định về CVĐC của UNESCO, CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn chắc chắn cần tìm kiếm các nguồn nhân lực, tài chính phù hợp", ông Guy nhận định.

Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm, ông tin tưởng tỉnh Hà Giang nói chung và ban quản lý CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng hiểu rõ giá trị của công viên địa chất này và sẽ có trách nhiệm sử dụng nguồn phí một cách hiệu quả, góp phần bảo tồn, phát triển CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc thu phí với khách tham quan CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang là hoàn toàn phù hợp và khả thi.

“Về mục đích, việc thu phí khách tham quan công viên địa chất CVĐC là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của UNESCO về công tác bảo tồn, duy trì và phát triển các khu di sản văn hóa, thiên nhiên, thông qua việc coi lĩnh vực du lịch là một nguồn lực để phát huy giá trị kinh tế của di sản – lấy kinh tế phục vụ bảo tồn, phát huy di sản”, PGS.TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, bản thân du khách được trải nghiệm các giá trị tích cực về môi trường, tài nguyên, dịch vụ của một điểm đến di sản thì đồng thời họ cũng gây ra những tác động tiêu cực (nước thải, rác thải, làm xuống cấp tài nguyên, cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật…) thì họ cũng cần có trách nhiệm và đóng góp cho khu vực đó.

Tuy nhiên, Ban Quản lý cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo cách thức thu phí ở các nơi khác ở trong khu vực hay trên thế giới như Bagan (Myanmar), Melaka (Malaysia), Angkor Wat (Campuchia), Machu Pichu (Peru)… sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả. Một điều lưu ý nữa đó là việc phân bổ nguồn phí thu được cũng phải rõ ràng, minh bạch và đúng mục đích. Nếu việc thu phí và phân bổ nguồn phí được triển khai một cách rõ ràng, phù hợp sẽ đạt hiệu quả cũng như nhận được sự ủng hộ từ khách tham quan, đồng thời đáp ứng nhu cầu về công tác bảo tồn, trùng tu và phát triển di sản văn hóa.

Trước đó, vị đại diện ban quản lý CVĐC cho biết việc thu phí sẽ giúp tăng nguồn lực để tái đầu tư cho người dân địa phương như nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa, nâng cao nhận thức cộng đồng; tái đầu tư cho hạ tầng du lịch như hệ thống bãi đỗ xe, điểm ngắm cảnh, vệ sinh công cộng, quảng bá...; đầu tư nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn, quản lý, vận hành các điểm di sản, bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, đây còn là cách Hà Giang nâng cao nhận thức của du khách về giá trị di sản, phân loại du khách mục tiêu và giúp điều hướng du khách, giảm quá tải cục bộ, góp phần tạo công bằng trong sử dụng, tiêu dùng tài nguyên du lịch, di sản. 

CVĐC được thành lập vào tháng 9/2009, gồm bốn huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356 km2. Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất UNESCO đầu tiên ở Việt Nam. 
Thống kê từ tỉnh Hà Giang cho thấy khoảng 65% khách đến tỉnh đều tham quan khu vực CVĐC. Lượng khách và doanh thu du lịch trên vùng CVĐC từ năm 2010 đến năm 2020 tăng trung bình 15-20% mỗi năm, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh (10% mỗi năm). Lượng khách đến CVĐC đạt gần 2,3 triệu lượt năm 2022.
Dự kiến, vào năm 2024, lượng khách tham quan CVĐC có thể thu vé vào khoảng 1,78 triệu lượt, doanh thu hơn 70 tỷ đồng.