Hạ Hòa (Phú Thọ): Hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp ngang nhiên bị “hủy hoại”
Lợi dụng việc Dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C Phú Thọ đi Yên Bái đang thi công, người dân đã “vô tư” liên hệ đơn vị thi công sử dụng khối lượng lớn đất đá của công trình đổ thải san lấp vào đất nông nghiệp, ven theo hai bên lề con đường mà dự án đang làm. Việc này khiến dư luận không khỏi bức xúc, liệu có sự “hậu thuẫn” từ chính quyền nên người dân mới ngang nhiên làm vậy.
Anh Nguyễn Văn P cho biết: “Từ khi con đường này thi công qua địa bàn, người dân lợi dụng đất thải từ dự án, nhiều hộ gia đình đã đua nhau đổ đất thải từ dự án lên đất nông nghiệp, diện tích san lấp rất nhiều dọc theo hai bên lề đường, không chỉ có khu 5 mà các khu khác cũng xảy ra tình trạng này. Về việc này, chính quyền địa phương biết nhưng “làm lơ” đi. Thậm chí có những hộ san lấp lấy được mặt bằng rồi phân lô “hô” bán”. Là người dân trên địa bàn nên tôi nắm rất rõ, hiện có những hộ san lấp đất nông nghiệp như Đinh Thị Th, Trương Văn V, Trương Văn H, Nguyễn Văn G, Nguyễn Văn C… Thậm chí là cả hộ ông Nguyễn Văn Q. (nguyên lãnh đạo xã Văn Lang) cũng vi phạm”.
Ngoài việc san lấp, còn có tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, cụ thể như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Th, anh P cho biết thêm.
Có những mảnh đất nông nghiệp không hiểu tại sao chưa được sự đồng ý mà “bỗng dưng” bị san lấp. Ông Chu Tiến X trăn trở chia sẻ: “Đất nông nghiệp từ thời ông bà để lại với diện tích khoảng 2 sào, bao nhiêu năm canh tác đến nay “bỗng dưng” bị san lấp hết đất đá vào ruộng. Chính bản thân tôi cũng không hiểu tại sao. Liên hệ với chính quyền xã thì tôi nhận được câu trả lời rằng: Ông Hoàng Văn Vinh (em ông Chu Tiến X) đã tự ý cho đổ đất san gạt ở thửa đất đó và xã đã lập biên bản xử phạt, nhưng hiện tại tôi chưa được cung cấp về biên bản này”.
Xác minh thực tế, trước mắt phóng viên là cảnh san lấp tràn lan chủ yếu là đất trồng lúa 2 bên lề đường. Phóng viên còn bắt gặp những chiếc xe ben đang vận chuyển đất từ dự án đổ ra khu vực đất nông nghiệp của dân. Đi cùng với phóng viên, anh Nguyễn Hải Hưng – Chuyên viên địa chính xã Văn Lang, trên tay cầm theo một tờ bản đồ địa chính xã, anh Hưng đã xác định luôn vị trí từng ô đất đã san lấp lên đất nông nghiệp điểm danh như hộ: Nguyễn Văn Q, Nguyễn Mạnh C, Trương Văn D, Trương Văn H, Đinh Thị T…
Ông Hưng khẳng định: “Việc san lấp đất nông nghiệp này, chính quyền xã có biết bởi có một số hộ dân đã làm đơn xin phép đổ đất, chuyển đổi cây trồng, có những hộ thì không. Tuy nhiên, do khu đất này xấu, canh tác không hiệu quả nên chính quyền xã đã tạo điều kiện cho dân san lấp. Về việc xây dựng trái phép 3 ngôi nhà trên đất nông nghiệp, sau khi kiểm tra lại hồ sơ thì 3 ngôi nhà này xây dựng trên thửa đất rộng 1.512m2 (300m2 đất ở, 1.212m2 đất vườn) của ông Nguyễn Văn Th. Hiện, mảnh đất chưa được tách thửa vì đang tranh chấp. Việc xây dựng cùng 3 ngôi nhà trên một mảnh đất khi chưa tách thửa là chưa đúng với quy định”.
Ngày 12/7/2022, UBND xã Văn Lang đã lập biên bản ông Hoàng Văn Vinh về việc sử dụng ôtô máy gạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng không đăng ký với UBND xã với diện tích 644m2. UBND xã Văn Lang yêu cầu ông Vinh dừng toàn bộ hoạt động san gạt khi chưa được sự đồng ý của UBND xã và phải có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, không làm ảnh hưởng đến các gia đình lân cận. Thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển đổi cơ cấu theo quy định.
Đến ngày 8/8/2022, UBND xã Văn Lang đã ra Quyết định số 843/QĐ-XPVPHC xử phạt 2 triệu đồng về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Yêu cầu ông Vinh phải giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, không làm ảnh hưởng đến các hộ lân cận, có biện pháp cải tạo mặt bằng không làm mất hiệu quả canh tác lúa trở lại, sử dụng đúng mục đích cây trồng hàng năm khác, thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này. Đến nay, theo ghi nhận của phóng viên ông Vinh vẫn chưa cải tạo lại mặt bằng như trước khi vi phạm.
Đề nghị các cấp có thẩm quyền vào cuộc xác minh làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến tình trạng san lấp hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp trái phép, tránh tình trạng buông lỏng hoặc “hậu thuẫn” cho các hộ dân vi phạm.