Hà Nội cần đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa
Tại phiên Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” chiều 21/3, các nhà khoa học thảo luận xoay quanh các vấn đề về: Phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế; sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô; phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của Hà Nội…
Dự và chủ trì phiên Hội thảo buổi chiều có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.
Mở đầu phiên thảo luận, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nhấn mạnh về việc tạo lập sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.
Dự và chủ trì phiên Hội thảo buổi chiều có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.
"Tôi nghĩ Hà Nội chưa tạo dựng được sự cân bằng, khái quát được tiềm năng tài nguyên văn hoá. Trong chừng mực nhất định có thái độ ứng xử chưa thoả đáng với tài sản quý giá cha ông để lại", PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
PGS.TS Đặng Văn Bài dẫn chứng trong khi dòng sông cổ Seoul trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, sông Tô Lịch bị đô thị hoá và thu hẹp lại. Tây Hồ có làng đào Nhật Tân nổi tiếng cả nước lại được đẩy ra phía bên ngoài… Đó là sự lãng phí tài nguyên.
Mặt khác, PGS.TS Đặng Văn Bài đặt vấn đề, Đà Nẵng có Lễ hội quốc tế pháo hoa, Huế có Festival, Quảng Ninh có Canaval nhưng Hà Nội chưa có sự kiện mang tầm quốc tế. Từ việc đặt vấn đề, PGS.TS Đặng Văn Bài đề nghị Hà Nội cần phát triển, đi đầu cả nước về công nghiệp văn hoá.
Trên cơ sở đó, PGS.TS Đặng Văn Bài kiến nghị ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hoá tại cộng đồng, tạo sinh kế cho cộng đồng thông qua các dịch vụ văn hóa do cộng đồng tự sáng tạo và quản lý.
Ngoài ra, cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Kho tàng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội mà tiền nhân để lại như là một tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững của Hà Nội.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia nhấn mạnh về việc tạo lập sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.
Hà Nội có thế mạnh nhất về làng nghề và du lịch, nên khai thác hiệu quả như Tour đêm Hoàng thành, nhà tù, phố cổ đang triển khai. Hiện, nhiều địa danh văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; Nhiều hoạt động văn hóa đã không thể thiếu trong các chương trình du lịch của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm…
Trên cơ sở đó, PGS.TS Đặng Văn Bài kiến nghị thêm cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng. Củng cố hệ thống bảo tàng, tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng tư nhân ra đời và phát triển như Bảo tàng tinh hoa gốm Việt, Bảo tàng cựu tù chiến binh Phú Quốc…
Đồng thời đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư; tăng cường đầu tư kinh phí cho bảo tồn phát huy; Đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực quản lý đáp ứng thực tiễn những vấn đề đặt ra của Hà Nội; phát huy mô hình công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng, từ nguồn lực nhà nước, cộng đồng di sản, tạo ra sinh kế cho người dân. Tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đó là đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của Thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hoá - mũi nhọn kinh tế mà Hà Nội có nhiều lợi thế và tiềm năng so với các địa phương khác trong cả nước.
Phản hồi các ý kiến của PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay: thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU).
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Làng nghề truyền thống, du lịch văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi điện tử… Phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP; 2030 đóng góp 8% GRDP.