Hà Nội chấn chỉnh quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ
Tại Báo cáo của UBND TP Hà Nội về tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri mới đây, cử tri đặt câu hỏi với về việc đề nghị chấn chỉnh, thực hiện hiệu quả việc quy hoạch, triển khai các nghĩa trang trên địa bàn TP; có giải pháp hợp lý cả về quy hoạch và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các nghĩa trang nằm trong địa bàn dân cư.
Trả lời ý kiến của cử tri, về quy hoạch nghĩa trang UBND TP Hà Nội cho biết, quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 08/4/2014.
Tại đồ án đã xác định vị trí, quy mô các nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, nghĩa trang liên tỉnh, nghĩa trang tập trung cấp TP, Nghĩa trang tập trung cấp huyện.
Việc quản lý nghĩa trang, cải tạo nâng cấp, xây dựng nghĩa trang sẽ được thực hiện theo định hướng Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND TP về việc quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bản TP Hà Nội và các quy hoạch chi tiết nghĩa trang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đang triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các nghĩa trang theo Kế hoạch 146/KH-UBND ngày 13/8/2014 của UBND TP.
Về các nghĩa trang hiện có nằm trong khu địa bàn dân cư, Theo UBND TP Hà Nội, định hướng Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 08/4/2014.
Đối với các nghĩa trang hiện có nằm trong khu vực phát triển đô thị, khi có kế hoạch lấy đất phục vụ nhu cầu phát triển đô thị sẽ được di chuyển đến nghĩa trung tập trung gần nhất hoặc các nghĩa trang phục vụ quy tập mộ di chuyển. Chấm dứt tình trạng chôn cất phân tán, tự phát.
UBND TP đã có Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 phê duyệt Quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn TP. Việc quản lý, xử lý môi trường thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện và sở Xây dựng.
"UBND các quận, huyện cần rà soát các nghĩa trang hiện có, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường... phải xây dựng lộ trình đóng cửa, xây dựng tường rào, trồng cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tiến độ thực hiện xây dựng nghĩa trang tập trung của huyện và TP", UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, để đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình triển khai, việc quản lý, sử dụng các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trên địa bàn TP theo nội dung Quyết định số 496/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 146/KH- UBND của UBND TP, ngày 22/12/2022 sở Xây dựng có Văn bản số 9731/SXD-KHĐT đề nghị UBND 30 quận, huyện, thị xã báo cáo tình hình triển khai, kết quả hoạt động các dự án nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trên địa bản TP, báo cáo về các khó khăn, vướng mắc, bất cập, các giải pháp xử lý, dự kiến kế hoạch đầu tư xây dựng các nghĩa trang tập trung trên địa bàn...
Trên cơ sở báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND TP về tình hình triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt đối với các nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn TP; Đề xuất UBND TP các biện pháp, giải pháp quản lý nhà nước hữu hiệu, đảm bảo việc triển khai các nghĩa trang tuân thủ theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo lộ trình, đáp ứng các yêu cầu về môi trường không khí (tiếng ồn, độ rung. các khí độc, nồng độ bụi), môi trường nước (nước mặt, nước thải sinh hoạt), về khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường, v/v.. theo các quy chuẩn hiện hành.
Đề xuất UBND TP biện pháp chấn chỉnh đối với UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với lĩnh vực trên, giải quyết kịp thời, thấu đáo vấn đề dân sinh.