Hà Nội chấn chỉnh sai phạm thu chi, văn hóa ứng xử trong trường học
Ngày 5/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Nội dung trọng tâm là quán triệt các nhiệm vụ năm học, chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm vừa qua liên quan đến vấn đề thu chi, dạy liên kết, văn hóa ứng xử… tại một số trường học.
Đảo đảm quyền lợi học sinh trong mọi trường hợp
Thời gian qua, một số trường trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra vi phạm trong quản lý, tổ chức dạy học gây bức xúc trong dư luận.
Đơn cử như việc giáo viên có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực tại Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn) và tại Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất); việc cô giáo bạo hành trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non tại huyện Gia Lâm… Các sự việc đều đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ. Hội nghị nhằm chỉ đạo, quán triệt một lần nữa những quy định liên quan để chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra.
Thông tin về việc xử lý cơ sở bạo hành trẻ 15 tháng tuổi ở huyện Gia Lâm, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẳng định, nhóm trẻ đã bị đình chỉ theo đúng quy định. Hôm nay (5/10), lực lượng chức năng đang giám sát việc tháo dỡ biển cũng như việc đóng cửa của cơ sở. Toàn bộ trẻ đang theo học tại đây được chuyển sang trường mầm non công lập trên địa bàn.
Để ngăn chặn việc các cơ sở mầm non hoạt động “chui”, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các phòng Giáo dục tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Khi phát hiện cơ sở có sai phạm, hoạt động không có giấy phép, phải kiên quyết xử lý và quan tâm hậu kiểm, tránh trường hợp ra văn bản thông báo đình chỉ rồi nhưng không kiểm tra, để cơ sở vẫn mở cửa đón trẻ. Khi dừng hoạt động, các đơn vị phải quan tâm đến quyền lợi của trẻ em và người lao động. Sở cũng yêu cầu các đơn vị gắn trách nhiệm hiệu trưởng, chủ nhóm lớp trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình khi có các sự việc xảy ra.
Thành lập đoàn kiểm tra thu chi và dạy thêm
Để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm liên quan đến công tác thu chi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình tổ chức các khoản thu tại các trường trực thuộc. Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra nội dung này tại các trường học theo phân cấp quản lý.
Để ngăn hiện tượng ép học sinh học thêm, Sở yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17/2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Các nhà trường cũng cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Chia sẻ về quan điểm, giải pháp trong việc ngăn ngừa các hành vi sai phạm của nhà giáo thời gian qua, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, dư luận có nêu ý kiến về việc xử lý học sinh phát tán clip trên mạng xã hội, việc này không hoàn toàn đúng. Việc phát tán hay không phát tán clip trên mạng cần căn cứ vào các quy định riêng như Luật An ninh mạng…
“Tôi không cổ súy việc học sinh mang điện thoại vào lớp quay clip, nhưng thông qua nội dung ấy chúng ta mới có căn cứ xử lý các hành vi sai phạm. Vì vậy, các nhà trường phải tăng cường duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc, đồng thời cũng cần đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học, tránh chỉ tập trung, quan tâm quá mức vào những thông tin phản cảm…”, ông Cương nói.
Yêu cầu không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa
Tại hội nghị, ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút.
Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã quán triệt tới từng nhà trường yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó. Nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1-2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.