Hà Nội: Công trình trọng điểm Hệ thống nước thải Yên Xá sau hơn một năm đưa vào triển khai giờ ra sao?
Tìm hiểu được biết, Dự án hệ thống nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016, dự kiến được bàn giao vào năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỷ đồng) với 84% là nguồn vốn ODA Nhật Bản. Bên cạnh xây dựng nhà máy Yên Xá, dự án còn đặt 52km đường cống ngầm ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì để dẫn nước thải.
Với gói thầu số 4 hạng mục thi công các ga 42.0 đến 42.11 đi qua địa bàn quận Hà Đông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố Hà Nội (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố Hà Nội) làm chủ đầu tư được thi công từ tháng 10/2021, theo Giấy phép xây dựng được cấp đến hết 28/2/2022. Nhà thầu là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng thương mại An Xuân Thịnh và Công ty Cổ phần Sông Đà 9 triển khai thực hiện các hạng mục hố ga gói thầu số 4. Tuy nhiên, có thể thấy đã quá thời hạn thi công nửa năm, nhưng công trình mới chỉ dừng lại ở việc đào 9 trên tổng số 11 hố ga. Trong khi đó, hạng mục khoan cống ngầm, kết nối các ga thu nước sẽ mất nhiều thời gian còn ở phía trước. Do đó, cảnh đông đúc, ùn tắc dưới lòng đường nhưng vắng vẻ trước các cửa hàng kinh doanh có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài, mà người dân đang sinh sống trên đường Vũ Trọng Khánh còn phải hứng chịu.
Theo Giấy phép thi công số 370/GP-SGTVT ngày 30/8/2021, Sở Giao thông Vận tải cấp phép cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố Hà Nội được phép rào chắn, đào đường để thi công hạng mục các hố ga 42.0 đến 42.11 gói thầu số 4 thuộc Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, quận Đống Đa, Thanh Xuân với 3 phân đoạn. Thi công cuốn chiếu từng phân đoạn, hoàn thành xong mới chuyển sang phân đoạn tiếp theo. Mỗi hố ga được rào chắn với chiều dài 15m, rộng 6m để thi công ép cừ, đào đất. Chiều rộng còn lại của đường Vũ Trọng Khánh là 4m để phân luồng các phương tiện lưu thông.
Ghi nhận thực tế được biết, tại khu vực nút giao Nguyễn Văn Lộc – Vũ Trọng Khánh gần một năm nay vào giờ cao điểm thường xuyên ách tắc kể từ khi những hàng rào tôn được dựng lên. Lòng đường bị công trường chiếm dụng đến 2/3 nên nhiều xe máy chọn cách leo lên vỉa hè để đi cho tiện. Không chỉ gây cản trở giao thông mà đời sống sinh hoạt của người dân cũng bị đảo lộn. Nhiều hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi việc buôn bán bị ảnh hưởng, phần lớn nguyên nhân là do mặt đường của ngôi nhà bị công trường án ngữ thời gian dài, đi lại vướng, khách hàng cũng ngại vào mua.
Quan sát tại tuyến đường Vũ Trọng Khánh hiện nay đã có 9 vị trí thi công phần hố ga, tuy nhiên người dân cho biết, đã từ lâu công trình “án binh bất động”, việc nước đọng thành các vũng lớn trong các hố ga thời gian dài trở thành ổ nuôi bọ gậy thế này khiến họ lo ngại dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát.
Người dân mong muốn, chủ đầu tư và đơn vị thi công cố gắng triển khai các hạng mục đảm bảo đúng tiến độ, để cuộc sống của người dân nơi đây được trở lại bình thường.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc triển khai gói thầu số 4 Dự án hệ thống nước thải Yên Xá, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố Hà Nội (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố Hà Nội).
Ông Trương Quốc Bảo – Trưởng ban Quản lý dự án Hệ thống nước thải Yên Xá thừa nhận, dù nhận được nhiều phản ánh và ghi nhận thực trạng dự án đang bị chậm tiến độ tuy nhiên rất khó có thể đưa ra chính xác thời gian hoàn thiện chạy thử như dự kiến. Đại diện chủ đầu tư cũng lý giải nhiều lý do khách quan và bất khả kháng dẫn đến tiến độ dự án bị chậm trễ. Ông Bảo cho biết: Dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nên việc triển khai thực hiện các thủ tục của dự án phải hài hòa giữa luật pháp Việt Nam và quy định của Nhật Bản, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch Covid-19 nên năm 2021 triển khai không đúng như tiến độ mong muốn. Bên cạnh đó, do một số yếu tố khách quan như không đủ mặt bằng để bố trí các thiết bị khoan kích thực hiện Giai đoạn 2 ( giai đoạn khoan kích) nên dự án cũng bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân chủ quan còn về phía nhà thầu là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng thương mại An Xuân Thịnh và Công ty Cổ phần Sông Đà 9 năng lực còn hạn chế, chưa khắc phục được công việc đáp ứng dự án (làm cuốn chiếu, xong hố ga này mới đến hố ga khác), công việc chưa được nhịp nhàng dẫn đến việc chậm tiến độ. Hiện nay, tại gói thầu số 4, phía nhà thầu mới thực hiện giai đoạn 1 là đào giếng và gia cố đất phòng sự cố.
Sắp tới, để khắc phục tình trạng này, phía chủ đầu tư đã họp và lên nhiều phương án, kế hoạch để hỗ trợ phía nhà thầu sớm triển khai đúng tiến độ, tránh tình trạng như dư luận đang phản ánh là chiếm dụng lòng đường quá lâu, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là Dự án đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ mới của Nhật Bản nên còn nhiều bất cập diễn ra, vì vậy phía chủ đầu tư mong muốn nhân dân luôn tin tưởng và hỗ trợ để Dự án sớm hoàn thiện, hoàn thành mục tiêu là dự án trọng điểm, mang ý nghĩa nhân sinh lớn, giải quyết vấn đề nước thải tại Thủ đô Hà Nội.