Hà Nội dự kiến xây dựng 12 loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí tại Hồ Tây
UBND Thành Phố Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý Hồ Tây, trong đó nêu các loại hình dịch vụ được phép hoạt động tại khu vực hồ này trong thời gian tới.
Theo đó, có tổng cộng 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động bao gồm: Kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.
Ngoài ra, thành phố Hồ Nội cũng muốn khu vực Hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
Dự thảo cũng quy định quận Tây Hồ là đầu mối quản lý, phối hợp với các Sở, ngành thực hiện nhiệm vụ. Do đó, việc sử dụng không gian mặt hồ phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao, du lịch và vui chơi giải trí phải được UBND quận Tây Hồ cấp phép.
Quy định quản lý Hồ Tây cũng đưa ra các yêu cầu về quản lý môi trường (bao gồm quản lý nước thải, nước trong hồ và mực nước, vệ sinh mặt hồ); quản lý môi trường không khí và các chất thải, rác thải; quản lý hạ tầng, quy hoạch, xây dựng và kiến trúc.
Trong Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) được UBND TP phê duyệt, khu vực Hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy. Quận Tây Hồ là đơn vị tổ chức đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các hạng mục này. Tàu thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây cũng do quận Tây Hồ quản lý.
Hồ Tây rộng hơn 527 ha, chu vi xung quanh hồ khoảng 19 km. Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây cơ bản được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè với đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Xung quanh hồ và vùng phụ cận có 22 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và một số làng nghề truyền thống nổi tiếng.