Hà Nội dùng ngân sách bù đắp chênh lệch khi tăng học phí
Ngày 12/9 tới, HĐND TP Hà Nội sẽ tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Trước kỳ họp, sáng nay (9/9), Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP đã họp thẩm tra một số nội dung quan trọng đang được dư luận quan tâm.
Liên quan tới mức học phí năm học 2022 - 2023, đại diện HĐND TP cho biết, HĐND TP sẽ thảo luận và quyết định trên cơ sở tờ trình của UBND TP.
Việc áp dụng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo.
Tuy nhiên, tại thời điểm này TP quy định theo mức sàn (là mức thấp nhất) của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Đồng thời, dùng ngân sách TP bù đắp phần chênh lệch để phụ huynh sẽ không phải đóng góp, đặc biệt trong bối cảnh sau 2 năm đại dịch đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn.
TP sẽ tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022 và cho rà soát 100% đối tượng, mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Dự kiến tổng mức ngân sách TP hỗ trợ năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng.
HĐND TP cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, trường hợp Chính phủ quyết định giữ nguyên hoặc miễn giảm mức học phí năm học 2022 - 2023 thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Về quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP, dự kiến được xem xét tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Tuy nhiên, đã được lùi lại để rà soát kỹ lưỡng.
Tại kỳ họp lần này, nội dung hỗ trợ cán bộ nhân viên y tế sẽ được xem xét thông qua, với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 257 tỉ đồng.