1. Trang chủ /
  2. Hà Nội: Đề nghị thanh tra làm rõ việc cưỡng chế, thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Hà Nội: Đề nghị thanh tra làm rõ việc cưỡng chế, thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

thứ ba, 4/4/2023 11:11 GMT+07
Trước những khuất tất trong việc cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện Dự án mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (cơ sở 1, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm), Thanh tra Chính phủ và các ngành chức năng Thành phố Hà Nội cần vào cuộc điều tra làm rõ các cơ sở pháp lý liên quan đến dự án. Lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm cũng cần công khai, trả lời dân về những vướng mắc mà 200 nhân khẩu đã mòn mỏi chờ đợi trong suốt 6 năm qua.
6 năm qua, người dân Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm đã đi cầu cứu tứ phương nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng. 6 năm qua, người dân Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm đã đi cầu cứu tứ phương nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Dân bức xúc, không đồng thuận

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, Dự án mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên, dù dự án chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều hộ dân có đất bị thu hồi tại mặt đường Quốc lộ 32 nhưng cuối năm 2022, UBND quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trước sự bức của hàng trăm nhân khẩu thuộc tổ dân phố Nguyên Xá, phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm - Hà Nội).

Theo nội dung đơn kêu cứu, dự án mở rộng cơ sở 1 của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhằm mục đích xây bể bơi và nhà tập thể thao, điều này không mang lại lợi ích cũng như sự cần thiết cho xã hội, dự án không góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, không phải dự án phát triển ngành hay công trình quan trọng về an ninh quốc gia, quốc phòng và không phù hợp với quy hoạch của Thủ đô. Việc thu hồi hàng nghìn m2 đất của người dân để giao đất cho trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trái với Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Cụ thể tại Khoản 5 và Khoản 8, Điều 1, Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó yêu cầu thực hiện di dời các trường cao đẳng, đại học, y tế ở khu vực nội đô ra khu đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh, xây dựng các cụm trường đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo quy hoạch nhằm giảm áp lực về hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học tại quận Bắc Từ Liêm thuộc đối tượng phải di dời.

Các hộ dân cũng kiến nghị các ngành chức năng xem xét hiện trạng sử dụng đất của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, vì hiện nay quỹ đất của trường còn rất nhiều, thậm chí cho một số công ty thuê và sử dụng không đúng mục đích.

Tại buổi cung cấp tài liệu, hồ sơ cho phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Hoàng Thị Chiến, trú tại thôn Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Cùng là nguồn gốc đất, năm 2010, Nhà nước thu hồi đất mở rộng Quốc lộ 32 là dự án công cộng quốc gia, các hộ dân bị thu hồi đất được đền bù 80 m2 đất tái định cư và được bồi thường 12.480.000 đồng/m2. Tuy nhiên, đến năm 2022 (sau 12 năm) cũng khu đất này cùng nguồn gốc đất, UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi hết 100% đất của chúng tôi giao cho trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để xây bể bơi, xây nhà tập thể thao đa năng, và chỉ bồi thường với giá 201.600 đồng/m2, mà không hỗ trợ đất dịch vụ hay tái định cư”.

Cũng theo bà Chiến, qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch (năm 2000, 2014 và theo Trích lục bản đồ của UBND Phường Minh Khai năm 2018, đất này vẫn là đất ở). Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, phần đất này lại bị “hô biến” thành đất nông nghiệp và được đền bù với giá rẻ mạt.

“Chúng tôi chỉ còn mảnh đất cuối cùng để mưu sinh, nay các cơ quan cưỡng chế thu hồi, không hỗ trợ, đền bù tái định cư, thử hỏi người dân chúng tôi biết trông vào đâu để sống?”, một người dân bức xúc cho biết thêm.

Cũng theo phản ánh của người dân, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là tổ chức sự nghiệp công lập đã tự chủ về tài chính, không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại điều 54 Luật Đất đai 2013. Thành phố Hà Nội cũng như quận Bắc Từ Liêm không thể thu hồi đất của dân để giao cho trường, việc này là bất hợp lý.

Các hộ dân cũng xác nhận, những thửa đất bị thu hồi được Nhà nước giao theo Nghị định 64-CP của Chính phủ từ năm 1993, đến năm 2000, họ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được quy hoạch thành đất ở tại Quyết định số 14/2000/QĐ-UB ngày 14/02/2000 của UBND Thành phố Hà Nội và các hộ dân đã sinh sống ổn định từ trước tháng 10/1993 đến nay và không có tranh chấp.

Theo các biên bản làm việc trong tháng 10 và tháng 11/2022 giữa Trung tâm phát triển quỹ đất, UBND phường Minh Khai và các hộ dân, hầu hết các hộ dân đều chưa đồng tình với phương án bồi thường và chưa ký vào biên bản bàn giao. Việc chính quyền cưỡng chế, thu hồi đất chỉ sau 7 ngày thông báo đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, nhiều hộ hộ không có nơi ở phải dựng lều, che bạt làm chỗ ở tạm ngay tại chính nơi vừa trước đó còn là ngôi nhà của mình.

Cần làm rõ cơ sở pháp lý thực hiện dự án Đại học Công nghiệp Hà Nội

Theo hồ sơ tài liệu Báo điện tử Xây dựng có được, Dự án mở rộng trường Đại học Công nghiệp cơ sở 1 được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016 với diện tích xây dựng 1,84ha, do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư.

Ngày 14/2/2000, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 14/2000/QÐ-UB phê duyệt đất này là đất công cộng, khu ở. Văn bản số 7979/VP-QHKT ngày 24/11/2014 của UBND Thành phố Hà Nội cũng nêu rõ, phần đất này chỉ được “xây dựng cây xanh, thể dục thể thao, không xây dựng nhà học và khối tích lớn”. Thế nhưng, một năm sau đó, ngày 23/11/2015, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lại ký ban hành Quyết định số 6308/QÐ-UBND, đồng ý giao khu đất có diện tích 1,84ha, ký hiệu H-1 cho trường Đại học Công nghiệp lập Dự án. Quyết định này cũng cho phép chủ đầu tư chuyển 1,84ha đất công cộng, khu ở sang chức năng đất cơ quan, viện nghiên cứu, đào tạo.

Trên cơ sở Quyết định số 6308/QÐ-UBND, ngày 7/6/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2281/QÐ-BCT phê duyệt cho trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện Dự án. Trong đó nêu rõ, nguồn vốn xây dựng hoàn toàn là vốn do chủ đầu tư huy động? Thời điểm này, trường Đại học Công nghiệp vẫn là đơn vị công lập hoạt động sử dụng ngân sách, cho nên Dự án vẫn được xem là dự án đầu tư công?

Cũng theo tìm hiểu, để xây dựng phương án bồi thường, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bắc Từ Liêm đã căn cứ Quyết định số 96/2014/QÐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND Thành phố Hà Nội để chi trả cho các hộ dân có đất bị thu hồi, mức giá được trả là 201.600 đồng/m2, không bồi thường công trình xây dựng, không có phương án tái định cư? Như vậy, khu đất có giá trị hàng trăm triệu đồng/m2, không ít nhà đã xây dựng kiên cố từ hàng chục năm trước, đến nay chỉ được đền bù với giá đất nông nghiệp?

Có điều khác lạ là ngày 11/4/2019, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà ra Quyết định số 1747 phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ chi tiết thực hiện dự án, thì ngày 10/11/2022, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Lê Thị Thu Hương mới ra Quyết định số 4489/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 3628/QĐ-UBND ngày 26/7/2018 của UBND quận Bắc Từ Liêm về thu hồi đất tại phường Minh Khai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng cơ sở 1 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Theo quyết định này: “162,0m2 đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay điều chỉnh thành: 162,0m2 đất nông nghiệp không giao theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ”?

Lý do thay đổi: Thay đổi nguồn gốc sử dụng đất theo Giấy xác nhận điều chỉnh, bổ sung số 09/NĐ-ĐC lập ngày 01/11/2021 của UBND phường Minh Khai.

Cũng trong rất nhiều các quyết định hành chính của UBND quận Bắc Từ Liêm, căn cứ đề ra các quyết định hầu hết đều nhắc đến Hợp đồng kinh tế số 03/2016/HĐ-GPMB ngày 12/12/2016 giữa Trung tâm phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm và trường Đại học công nghiệp Hà Nội về việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Vậy trong bản hợp đồng kinh tế giữa 2 đơn vị này có gì? Tại sao các hộ dân đã nhiều lần đề nghị các ngành chức năng cung cấp mà các đơn vị này đều từ chối, không cung cấp?

Cũng vì bức xúc trước sự việc, 6 năm qua, các hộ dân thôn Nguyên Xá, phường Minh Khai đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, tố cáo, thậm chí đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết.

Trước vụ việc phức tạp nêu trên, đề nghị Thanh tra Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội và các ngành chức năng vào cuộc điều tra làm rõ cơ sở pháp lý thực hiện Dự án mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Dự án liệu có đủ điều kiện thu hồi đất theo Luật Ðầu tư công hay không? Cơ quan nào có đủ thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án? Cũng cần làm rõ quyết định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục đất thu hồi đã được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua hay chưa. Đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học… ra khỏi nội đô.

Các ngành chức năng cũng cần đảm bảo quyền lợi người dân theo quy định của Luật Đất đai, bởi nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở kiên cố, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sinh sống ở đây từ những năm 1993.