Hà Nội: Nguồn cung dồi dào, giá rau xanh và thực phẩm tươi sống giảm đồng loạt.
Rau củ dồi dào, giá hạ nhiệt
Theo ghi nhận của PV trong ngày 29/3, tại một số chợ dân sinh, truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân, chợ Đồng Xa (Cầu Giấy) và các sạp hàng buôn bán nhỏ lẻ cho thấy, các mặt hàng thực phẩm nhìn chung tương đối ổn định, trong đó giá rau xanh đã hạ nhiệt so với thời điểm đầu tháng. Mức giảm trung bình trên mỗi mặt hàng là từ 10%-20%.
Cụ thể, một số loại rau xanh thời điểm trước giữ giá cao như mồng tơi từ 10.000 đồng/mớ nay chỉ còn 6.000 đồng/mớ, rau muống 15.000 đồng/mớ to giảm còn 5.000 đồng/mớ, rau ngót 12.000 đồng/mớ giảm còn 7.000 đồng/mớ, bắp cải 18.000 đồng/kg giảm còn 10.000 đồng/kg, cải cúc 7.000 đồng/ mớ giảm còn 5.000 đồng/mớ,...
Một số mặt hàng củ quả khác có giảm nhưng không nhiều như: củ cải giá 12.000 đồng/kg; cà chua, cà pháo, các loại bí... giá 10.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; khoai tây giá 20.000 đồng/kg,...
Về cơ bản, tại các chợ dân sinh truyền thống, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Các quầy hàng rau xanh khá dồi dào, đa dạng chủng loại. Chất lượng rau tươi ngon, giá cả cũng giảm đáng kể.
Theo các tiểu thương tại chợ, do thời tiết nắng ấm, mưa nhiều nên mặt hàng rau xanh dồi dào, lượng rau xanh về chợ tăng mạnh so với 2 tuần trước. Sức mua lại có phần giảm nhẹ nên lượng tiêu thụ không cao dẫn đến việc các mặt hàng rau củ giảm dần.
“Rau xanh có thể giảm hơn nữa vào tháng 5, tháng 6 khi các nhà vườn bước vào vụ chính. Thời tiết nắng nóng cũng giúp mặt hàng rau xanh, hoa quả tiêu thụ tốt hơn” - chị Hà, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Giá thịt giảm, sức mua yếu
Trong khi đó, mặt hàng gia súc, gia cầm có xu hướng giảm dần. Ghi nhận, giá thịt lợn đang ở mức thấp nhất trong một năm qua và “đi ngang” kể từ thời điểm tháng 12/2022 đến nay.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 3/2023 giảm 1% so với tháng trước. Trong đó, giá thịt lợn tháng Ba giảm 2,58% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị giảm 1,72%; khu vực nông thôn giảm 3,15%.
Cụ thể, giá thịt mông sấn 90.000 đồng - 100.000/kg; thịt ba chỉ từ 110.000 đồng/kg - 120.000 đồng/kg; sườn thăn có giá bán là 110.000 đồng/kg -120.000 đồng/kg tùy loại, thịt chân giò 100.000 đồng/kg, nạc vai từ 100.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg,...
Giá thịt lợn giảm do quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm, giá trở về mức bình thường khi nguồn cung dồi dào do dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động chăn nuôi thuận lợi, các hoạt động vận chuyển, lưu thông thông suốt nên đảm bảo nhu cầu của người dân.
Giá thịt gia cầm giảm 0,5% so với tháng trước chủ yếu do nguồn cung bảo đảm, trong đó giá thịt gà giảm 0,74%, thịt gia cầm đông lạnh giảm 0,8%, thịt gia cầm khác tăng 0,21%. Giá trứng giảm 2,64% so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ thấp.
Tại các hệ thống siêu thị, giá các loại thịt chỉ cao hơn ngoài chợ từ 5%. Trong đó, gà ta giá từ 95.000 - 120.000 đồng/kg, gà công nghiệp giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg, thịt bò giá 180.000 - 230.000 đồng/kg. Trứng gà, vịt giữ giá ở mức 27.000-28.000 đồng/chục.
“Năm nay, không xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ dân tái đàn nên thị trường thịt luôn dồi dào, không có tình trạng khan hiếm. Tuy nhiên thời điểm này, sức mua thịt lợn, thịt bò suy giảm do người mua e dè hơn khi xuống tiền”- chị Phương, tiểu thương tại chợ Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ.