Hà Nội: Phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt được nghiên cứu thận trọng
Cơ bản người dân đồng tình phương án điều chỉnh giá nước sạch
Thông tin liên quan đến phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội, bà Trần Thành Tâm khẳng định, TP Hà Nội luôn xác định giá nước sạch có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, cũng như doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, TP đã rất thận trọng, có chỉ đạo cụ thể với các sở, ngành; phản ánh, thông tin cụ thể trên các phương tiện truyền thông, báo chí đến người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính, khi có phương án điều chỉnh giá nước, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền từ rất sớm. Từ tháng 2/2023, UBND TP đã ban hành kế hoạch về vấn đề này.
Bên cạnh đó, UBND TP đã giao cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị, trong từng giai đoạn để người dân tiếp cận được định hướng, chủ trương trong việc điều chỉnh giá nước. Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng, qua nắm bắt thông tin của Sở Tài chính, việc điều chỉnh giá nước lần này của TP cơ bản được người dân đồng tình, ủng hộ cao.
Về phương án giá, người dân cũng đánh giá không tác động nhiều đến đời sống. Tuy nhiên, người dân cũng mong mỏi bên cạnh điều chỉnh giá nước sẽ có nội dung cụ thể về chất lượng nước để bảo đảm cuộc sống.
Liên quan đến phương pháp tính giá nước, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thành Tâm cho biết, khi xác định phương án giá nước, TP đã thành lập tổ công tác thẩm định giá trên địa bàn, trong đó có lãnh đạo các sở, ngành: Tài chính, Xây dựng, Thuế… thực hiện công tác rà soát và thẩm định phương án giá nước.
Vì vậy, phương án giá nước khi tính toán bảo đảm theo đúng quy định tại Thông tư 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 5/8/2021 về khung giá, nguyên tắc, phương án xác định giá nước sinh hoạt. Các yếu tố cấu thành giá bảo đảm lợi ích người dân, lợi nhuận của nhà đầu tư cũng được thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
Bà Trần Thành Tâm nhấn mạnh, khi Sở Tài chính xây dựng phương án giá nước cũng đã làm việc với các đơn vị cấp nước, nhận được sự đồng thuận của các đơn vị này trước khi báo cáo với UBND TP.
“Trong phương án giá nước, để bảo đảm đời sống của người dân, TP đã không quyết định tăng giá nước đột ngột mà thực hiện tăng theo lộ trình trong vòng 2 năm; bảo đảm trong khoảng thời gian này có thể đáp ứng được yếu tố đầu vào cấu thành giá nước, điều chỉnh kịp thời bảo đảm tính thị trường trong điều chỉnh giá nước”, Phó Giám đốc Sở Tài chính khẳng định.
Ưu tiên quyền lợi của người dân
Để bảo đảm chất lượng nước, Sở Tài chính Hà Nội đã có báo cáo UBND TP về trách nhiệm của các công ty cấp nước; việc xây dựng phương án giá nước phải bảo đảm quy định chất lượng nước theo tiêu chuẩn.
TP Hà Nội đã giao trách nhiệm cho Sở Y tế trong quá trình kiểm tra chất lượng nước, Sở Xây dựng kiểm tra áp dụng định mức kỹ thuật; Sở Tài chính có trách nhiệm rà soát giá nước hàng năm theo đề nghị của đơn vị cấp nước.
TP cũng đã chỉ đạo liên ngành thực hiện một cách tổng thể các phương án để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân; hài hòa lợi ích Nhà nước - người dân - doanh nghiệp. Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội nêu rõ, tất cả quyền lợi của người dân được TP Hà Nội ưu tiên đầu tiên, có chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách…
Làm rõ thêm vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, Hà Nội đang sử dụng cả nước mặt và nước ngầm. Hiện nay, Hà Nội trung bình đang khai thác 770.000m3/ngày đối với nước ngầm. Theo quy hoạch nước trên địa bàn, đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm khai thác còn 615.000m3/ngày đêm; và đến năm 2050, còn khoảng 413.000m3/ngày đêm. Do đó, phải khai thác hợp lý nguồn nước mặt và nước ngầm, trong đó ưu tiên khai thác nguồn nước mặt.
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cũng cho hay, qua rà soát thống kê và theo định mức đơn giá tính toán, chi phí đầu tư nguồn nước mặt hiện đang cao hơn chi phí khai thác nước ngầm. Vì vậy, cần điều chỉnh giá nước để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư khi đầu tư nguồn chi phí khai thác nước mặt cho phù hợp.
“Trong 10 năm qua, chúng ta giữ ổn định giá nước. TP tính toán điều chỉnh giá nước từ năm 2019 nhưng chưa thực hiện để bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19. Đến năm 2022, trong xu thế bắt buộc phải điều chỉnh giá nước để bảo đảm chi phí đầu vào và đầu ra, các đơn vị đã nghiên cứu rất thận trọng. Phương án giá đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ cận nghèo, các đối tượng an sinh xã hội và so sánh chi phí mức sinh hoạt dưới 10m3 thì chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số tỉnh, thành như Quảng Ninh, Điện Biên”, ông Trương Việt Dũng nhấn mạnh.
Theo tính toán của Sở Tài chính Hà Nội, dự kiến, đối với 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10m3/tháng, giá nước điều chỉnh sẽ tăng khoảng 15.270 đồng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, các đơn vị.
Ngoài ra, theo tính toán của liên ngành, với phương án giá dự kiến, CPI sẽ tăng khoảng 0,17%, không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.