1. Trang chủ /
  2. HÀ NỘI: Sự việc có dấu hiệu lấn chiếm đất công bị “lái” sang “tranh chấp đất”?

HÀ NỘI: Sự việc có dấu hiệu lấn chiếm đất công bị “lái” sang “tranh chấp đất”?

thứ sáu, 26/8/2022 11:10 GMT+07
(PLM) - Sau khi ông Nguyễn Đặng Dương (SN 1958, ngụ số 112, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đơn phản ánh việc hàng xóm có dấu hiệu xây dựng lấn đất công (ngõ đi chung); UBND phường Câu Dền lại coi đây là “tranh chấp đất đai” giữa hai gia đình rồi tiến hành hòa giải.

Mỗi bên một cách lý giải

Ông Dương cho rằng, năm 2020, khi thấy gia đình ông Nguyễn Xuân Thắng (số 110, phố Bạch Mai) tiến hành cải tạo nhà bếp rộng khoảng 5m2 trên phần đất công ven ngõ đi chung (giáp phía sau nhà ông Dương), ông Dương đã có đơn gửi UBND phường Cầu Dền phản ánh vụ việc, đề nghị xử lý hành vi xây dựng trên đất công. Cùng với đó, ông Dương còn phản ánh việc ông Thắng làm ban công chìa sang đất nhà mình, lắp ống thoát nước điều hòa để nước chảy gây thấm tường…

Giải quyết đơn thư trên, UBND phường cho rằng, nhà đất tại số 110 thuộc quyền sở hữu sử dụng của bố mẹ ông Thắng (hiện đã qua đời - NV). Vì vậy, cơ quan này đã hai lần tổ chức hòa giải (vào ngày 8/6/2022 và 16/6/2022) giữa ông Dương và các thừa kế của bố mẹ ông Thắng. Tuy nhiên, cả hai buổi hòa giải này, các thừa kế của bố mẹ ông Thắng đều vắng mặt không rõ lý do; một buổi hòa giải ông Dương vắng mặt không rõ lý do nên UBND phường lập biên bản hòa giải không thành.

Tại Thông báo giải quyết đơn thư ngày 6/7/2022, UBND phường trả lời, ông Dương căn cứ vào hồ sơ tài liệu hiện có gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Tương tự nội dung trên, tại văn bản thông tin về việc giải quyết đơn gửi Báo PLVN ngày 17/6/2022, UBND phường Cầu Dền còn cho biết thêm về việc sử dụng bếp của ông Thắng như: Biên bản xác minh một số hộ gia đình sinh sống lâu năm tại ngõ 112 Bạch Mai ghi nhận nhà 110 hiện do ông Thắng quản lý sử dụng, có 1 căn bếp cấp 4 là nhà cũ, đã được xây dựng từ trước những năm 1960, cao 3m, mái lợp tôn; Theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất do UBND TP lập năm 1996, tại thửa đất số 431, tờ bản đồ 6-H-IV-17 có một phần là 1 căn nhà tạm (vị trí căn bếp gia đình ông Thắng sử dụng).

Không đồng tình với trả lời trên, ông Dương nói: “Việc ông Thắng xây cao tường, ốp đá và thay mái tôn là mới diễn ra chứ không phải thực hiện từ năm 1960. Kèm theo đơn, tôi đã nộp cho UBND phường hình ảnh nhà bếp trước và sau khi được ông Thắng cải tạo, gia cố để chứng minh nội dung phản ánh”.

Hình ảnh ông Dương cung cấp cho rằng đây là căn bếp trước và sau khi sửa chữa, gia cố


Về phản ánh căn bếp “xây dựng trên đất công”, ông Dương nói: “GCNQSDĐ của gia đình tôi do UBND quận Hai Bà Trưng cấp năm 2007 thể hiện rõ phần đất phía sau (tương ứng với phần có căn bếp) là “sân chung”. Phần đất này nằm tách biệt với căn nhà số 110 của gia đình ông Thắng nên không thể mặc nhiên cho rằng căn bếp này gắn liền, hoặc thuộc về nhà 110 được. Trong đơn tôi đã trình bày rõ việc gia đình ông Thắng sửa chữa trái phép nhà bếp, lấn chiếm phần đất sân chung; xây nhà sai quy chuẩn xây dựng (chìa ban công và xả nước điều hoà sang hàng xóm). Tại giấy biên nhận đơn, UBND phường Cầu Dền đều ghi nhận đơn của tôi có trình bày về việc gia đình ông Thắng nhiều năm lấn chiếm sân chung. Không hiểu vì sao UBND phường lại “lái” rằng tôi có “đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai”?”

Chuyên gia pháp lý nói gì?

Trước sự việc trên, một LS thuộc Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng, ngoài khiếu kiện về việc gia đình bị lấn đất, bị chìa ban công; thì đơn của ông Dương có nội dung phản ánh về việc một công dân xây dựng lấn chiếm đất công (sân chung). Vì vậy, UBND phường Cầu Dền cần giải quyết và trả lời rõ có hay không việc lấn chiếm đất công như đơn phản ánh? Có hay không việc xây dựng, cải tạo mới căn bếp không phép? Nếu có việc này thì xử lý như thế nào?

Hơn nữa, theo quy định thì việc giải quyết lấn chiếm đất công là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước. Vì vậy, việc này không thuộc trường hợp phải hòa giải và không được phép hòa giải vì đây là lĩnh vực quản lý nhà nước; chứ không phải quan hệ dân sự giữa hai cá nhân.

Từ nhận định trên, LS cũng cho rằng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có thể dựa vào tài liệu, hồ sơ địa chính để kết luận có hay không việc xây dựng mới, lấn chiếm đất công; mà không nhất thiết cần có sự phối hợp của đương sự. Thậm chí, nếu không có sự phối hợp của chủ công trình, hoặc không xác định được người xây dựng thì vẫn có những quy định cho phép xử lý triệt để sai phạm (nếu có) nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo đảm trật tự quản lý (ví dụ: dán thông báo, biên bản, quyết định xử lý tại công trình hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan...).

Ông Dương nói: “Tôi sẽ tiếp tục có đơn tố cáo việc xây dựng sai phép, có dấu hiệu lấn đất công trên đây đến UBND quận Hai Bà Trưng, cũng như đề nghị xem xét trách nhiệm của cán bộ UBND phường Cầu Dền trong việc giải quyết đơn thư liên quan vụ việc. Đồng thời, đề nghị làm rõ thửa đất số 431, tờ bản đồ 6-H-IV-17 mà UBND phường Cầu Dền đề cập có vị trí, diện tích, ranh giới cụ thể như thế nào; chủ sử dụng là ai; việc xuất hiện căn nhà tạm tại một phần thửa đất này có đúng hay không?”.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 238 ra ngày 26/8/2022)