1. Trang chủ /
  2. Hà Nội tăng vọt ca sốt xuất huyết

Hà Nội tăng vọt ca sốt xuất huyết

thứ tư, 21/9/2022 08:11 GMT+07
Tính riêng trong tuần qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) - tăng 38,9% so với tuần trước đó và 1 trường hợp tử vong. Nhiều chuyên gia cảnh báo, số ca mắc SXH tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng trong những ngày sắp tới.

Đã có 4 trường hợp tử vong

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), từ đầu năm 2022 đến ngày nay, thành phố đã ghi nhận 3.023 ca mắc SXH - tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong. Cụ thể, Hà Nội đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) và ổ dịch thôn Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất).

CDC Hà Nội nhận định, tính từ cuối tháng 8 đến nay, số ca mắc SXH tăng khoảng 20%/tuần đến hơn 46%/tuần. Một số quận, huyện có tỷ lệ ca mắc SXH cao, như: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Đan Phượng, Thường Tín… Dự báo, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, do đang trong cao điểm mùa dịch.

Từ đầu năm 2022 đến ngày nay, thành phố đã ghi nhận 3.023 ca mắc SXH - tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021

Đáng lo ngại, theo báo cáo của CDC Hà Nội, kết quả điều tra, giám sát trong những tuần gần đây, nhiều nơi có chỉ số BI cao 2-5 lần so với quy định. Đơn cử như tại một số vị trí trọng điểm như phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) BI=25 hay xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) BI=100. Được biết, chỉ số BI (Breteau Index - số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes) có vai trò quan trọng để xác định tình trạng lăng quăng, muỗi vằn cũng như các nguy cơ gây SXH. Tại miền Bắc, nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 20 trở lên có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch SXH có thể bùng phát.

Một trường hợp điển hình, từ đầu năm 2022 đến ngày 9/9, huyện Đan Phượng ghi nhận 137 ca mắc SXH và 1 ca tử vong tại thị trấn Phùng. Qua giám sát, điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH, ổ dịch cũ tại thị trấn Phùng từ ngày 2 đến 9/9 cho kết quả BI=45 - gấp hơn 2 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch.

PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền bệnh
Bệnh SXH lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Nhiều người lầm tưởng, muỗi trong chuồng trâu bò… đốt gây SXH. Thực tế, đó là loại muỗi gây lây truyền bệnh khác, còn muỗi SXH lại rất thích sống gần người, trú ẩn ngay bên cạnh con người. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa …, không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20 độ C. Vì thế, mỗi người dân, gia đình cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Ý thức phòng dịch chưa cao

Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát để kiểm soát dịch bệnh. Khi kiểm tra, các đoàn đều yêu cầu địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất trên diện rộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ số BI cao đã phần nào phản ánh ý thức, sự tham gia của người dân vào công tác diệt muỗi và lăng quăng còn chưa cao. Trong khi đó, đây là việc dễ làm, không đỏi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần chính quyền địa phương và người dân quan tâm thực hiện.

Ông Cương yêu cầu huyện Đan Phượng cần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH; UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, huy động các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân phối hợp với trung tâm y tế và chính quyền địa phương các xã, thị trấn cùng vào cuộc chống dịch, xử lý các ổ dịch cũ và ổ dịch mới phát sinh. Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng cần tăng cường giám sát dịch tễ, giám sát phát hiện các ca bệnh, ổ dịch, giám sát véc tơ bao gồm những khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao; điều tra, xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Tình hình dịch bệnh càng trở nên phức tạp hơn khi mới đây, CDC Hà Nội thông báo, ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, ngành y tế Thủ đô đã phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội lý giải, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Trước đó, chủng virus gây bệnh SXH được phát hiện trong năm 2022 trên địa bàn thành phố là Dengue 1 và Dengue 2.


“Một người có thể mắc SXH nhiều lần với các chủng virus khác nhau. Khi một người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus Dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Nghĩa là tối đa 1 người có thể mắc SXH 4 lần trong đời. Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc có thể chủ quan dịch bệnh, bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những lần mắc bệnh sau sẽ thường nặng hơn do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo. Bên cạnh đó, những trường hợp có bệnh lý nền hay tự ý điều trị tại nhà dẫn tới bệnh chuyển biến nặng cũng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Cụ thể, cả 4 ca tử vong ghi nhận trên địa bàn thành phố đều phát hiện bệnh muộn, đến viện muộn. Ngoài ra, họ có các bệnh lý nền kèm theo tương đối nặng như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…” - bác sĩ Tuấn thông tin.

Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khiến dịch bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu CDC Hà Nội bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh SXH tại các quận, huyện, thị xã; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế nâng cao kỹ năng giám sát dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật... Đối với các bệnh viện cần tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị, tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.

Bộ Y tế khuyến nghị tới mỗi người dân những lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, như mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng, thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh, ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời...

Nghệ An: Sốt xuất huyết bùng phát
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 19/9, địa phương này đã ghi nhận 1.297 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 15 huyện, thành phố, thị xã gồm huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Yên Thành…
Ca mắc SXH đầu tiên ở Nghệ An được ghi nhận tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, Nghi Lộc vào ngày 25/5. Trong tổng số hơn 1.200 ca mắc SXH, đến nay đã có 2 bệnh nhân ở huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu tử vong. Cả 2 đều được phát hiện và nhập viện điều trị muộn; khi nhập viện, bệnh diễn biến nhanh.
Hiện ở Nghệ An lưu hành hai type virus D1 và D2 gây sốt xuất huyết. Trong đó, type virus D1 có độc lực mạnh nhất trong 4 type, còn type virus D2 có tốc độ lây lan rất nhanh. Việc cùng lúc lưu hành hai type virus này khiến dịch sốt xuất huyết ở Nghệ An có nguy cơ lan rộng và diễn biến nặng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, UBND tỉnh Nghệ An vừa có công văn “Về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh” các ban, ngành chức năng và các địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đã tổ chức họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Ông Long yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp; chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh SXH; xây dựng và triển khai Kế hoạch “Kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch SXH” tại địa phương. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, các địa phương có dịch, đặc biệt là 3 địa phương có nguy cơ SXH tăng cao và có nhiều nguy cơ lây lan nhanh là huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai… đang rốt ráo triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.
Theo ông Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc phụ trách CDC Nghệ An, hiện nay Nghệ An mới chỉ bắt đầu vào mùa mưa (điều kiện thích hợp cho véc tơ truyền bệnh SXH du nhập, sinh trưởng và phát triển), nguy cơ bùng phát dịch SXH là rất lớn. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là không để bị muỗi đốt, khi ngủ mọi người nên ngủ trong màn, tẩm màn bằng hóa chất; phun thuốc diệt muỗi và đốt hương muỗi trong nhà...