Hà Nội thay thế xe buýt năng lượng sạch: Cần lộ trình hợp lý
Đến 2050 sẽ sử dụng 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh
Căn cứ quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Đối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hiện Thủ đô đã có mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; kết nối đến 6 tỉnh, TP lân cận với 148 tuyến buýt và gần 1.800 phương tiện. Phần lớn trong số này vẫn là xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của TP, xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí CNG đã được đưa vào vận hành trên một số tuyến và đạt được những thành công ban đầu, đảm bảo phục vụ Nhân dân cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lộ trình thay thế toàn bộ xe buýt của Hà Nội bằng phương tiện xanh đến năm 2050 là hợp lý có thể thực hiện được.
Chuyên gia giao thông Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho hay: “Việc lộ trình đã có một bước đệm từ nay đến 2030, yêu cầu các phương tiện phải thay mới dùng năng lượng xanh đó là một sự chuẩn bị kỹ càng, quan trọng để thay dần xe buýt sạch, giúp cho các doanh nghiệp vận tải không bị động”.
Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, trước xu hướng và yêu cầu về phát triển bền vững trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, trong thời gian qua, Tổng công ty đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình và khả năng triển khai xe buýt thân thiện môi trường tại Việt Nam hiện nay. Xu hướng sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng sạch cũng đang được nhiều nước quan tâm phát triển nhằm giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh từ giao thông, giải quyết vấn đề môi trường.
Cần giải quyết phát sinh trước khi triển khai xe buýt điện ở Hà Nội
Mới đây Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã trình lên UBND TP Hà Nội bản Kế hoạch lộ trình dự kiến chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam đã nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để thực hiện lộ trình là: Thể chế - cơ chế - chính sách.
Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho hay: “Trong nước hiện nay hầu như chưa có đơn vị sản xuất, lắp ráp xe buýt điện, mới chỉ có Công ty Vinfast nhập khẩu, lắp ráp để sử dụng thí điểm trong tập đoàn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT mới chỉ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố, chưa có Quy chuẩn riêng cho xe buýt điện. Mỗi mẫu xe buýt điện nhập khẩu phải thẩm định riêng. Do vậy, việc nhập khẩu, lắp ráp sản xuất sẽ mất nhiều thời gian và chi phí cao hơn các loại xe buýt thông dụng. Vì vậy, để triển khai xe buýt, cần có sự chuẩn bị trước về thời gian và phải có quy chuẩn về xe buýt điện”.
Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, một số nhà sản xuất, pin xe buýt điện có thể chạy từ 250-300 km/1 lần sạc và để đảm bảo không phát sinh sự cố hết điện, khuyến cáo chạy tối đa 230-250 km/1 lần sạc (tuỳ thuộc cả vào điều kiện thời tiết liên quan đến việc sử dụng điều hoà). Các tuyến xe buýt điện đang thí điểm hiện nay ở Hà Nội có tổng quãng đường chạy là 230 – 240 km/xe/ngày.
“Việc nạp điện giữa ca có thể phát sinh một số bất cập: phải bố trí diện tích tại các điểm đầu cuối để xây dựng trạm nạp và chỗ đỗ cho xe dừng nạp và nguồn điện công suất cao để xe dừng đỗ và nạp bổ sung trên các tuyến, chi phí tiền điện ban ngày cao hơn ban đêm, các xe buýt chạy tuyến trung tâm thường xuyên bị chậm giờ do ùn tắc giao thông, nếu một xe bị chậm giờ có thể dẫn tới ảnh hưởng cả tuyến không đủ thời gian nạp điện trên tuyến, dẫn đến biểu đồ vận hành phục vụ hành khách bị phá vỡ.
Giải pháp để đảm bảo an toàn vận hành được, xe buýt nạp điện một lần vào cuối ngày sau khi hết ca làm việc (tương tự như xe buýt Diesel đổ nhiên liệu cuối ngày, sau khi hết ca làm việc). Như vậy, để đủ điện cho xe chạy trong ngày, giải pháp yêu cầu biểu đồ vận hành của 1 xe/tuyến (năng suất ngày/xe) không quá 230 km/xe/1 ngày”- vị Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phân tích.
Chuyên gia giao thông Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích: “Muốn doanh nghiệp có thể đảm bảo đáp ứng theo lộ trình đến năm 2050 có thể sử dụng đại trà xe buýt điện, hay khí CNG. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn để cho doanh nghiệp thực hiện”.
Ngoài ra cơ chế đấu thầu, trợ giá, khấu hao tài sản… cho vận tải công cộng hiện nay chỉ xây dựng cho xe buýt sử dụng xăng, dầu. Với xe buýt sử dụng năng lượng xanh cần cơ chế, chính sách mới phù hợp. Đặc biệt, nhiều DN đang lo ngại nhất là quy định về khấu hao phương tiện. Xe buýt sử dụng năng lượng sạch có giá thành cao gấp nhiều lần xe xăng, dầu, nếu áp dụng cách tính khấu hao và niên hạn sử dụng như hiện nay sẽ khiến DN có thể lỗ lớn.
Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, qua tính toán, chi phí tiết kiệm được do chuyển từ xe buýt diesel sang xe buýt điện không thể bù đắp chi phí vận hành xe buýt điện, nhất là về chi phí đầu tư ban đầu và thay pin. Xe buýt điện chủ yếu chỉ đem lại lợi ích lớn về bảo vệ môi trường đối với Thủ đô. Bởi vậy, muốn chuyển đổi sang xe buýt điện, TP cần có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá, đảm bảo ổn định hàng năm cho cả mạng lưới, nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng Thủ đô.