1. Trang chủ /
  2. Hà Nội đưa ra 6 giải pháp chống "căn bệnh" ùn tắc giao thông

Hà Nội đưa ra 6 giải pháp chống "căn bệnh" ùn tắc giao thông

thứ ba, 11/7/2023 13:06 GMT+07
Phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận hiện nay tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp.
Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp gia tăng xe cá nhân dẫn đến nguyên nhân ùn tắc giao thông tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp gia tăng xe cá nhân dẫn đến nguyên nhân ùn tắc giao thông tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và không theo kịp với sự gia tăng về dân số và lượng xe cá nhânùn tắc giao thông thành phố Hà Nội vẫn là "căn bệnh mãn tính" và diễn biến ngày càng phức tạp.

Hạ tầng “mệt nhoài” chạy theo xe cá nhân

Tham luận tại Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 10/7, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20-26% cho đô thị trung tâm, trong đó diện tích đất cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4%.

Hà Nội cũng tập trung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị Trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50-55% tổng nhu cầu đi lại và sau năm 2030 đạt 65-70%; xe buýt nhanh (BRT) được quy hoạch lâu dài trên 8 tuyến và 3 tuyến quá độ khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc monorail [đường ray đơn-pv], 9 tuyến đường sắt đô thị.

Thời gian qua, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã bước đầu hình thành bao gồm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã đi vào hoạt động từ ngày 15/11/2021; tuyến đường sắt đô thị Nhổn Ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng; 1 tuyến buýt nhanh BRT và 153 tuyến buýt (trong đó có 9 tuyến xe buýt điện và 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch khí CNG). Mạng lưới xe buýt “phủ sóng” rộng rãi tới 88,4% xã, phường, thị trấn; 87% bệnh viện; 67% các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; 100% các khu công nghiệp lớn; 89,2% khu đô thị; 95,8% làng nghề; 92% khu di tích lịch sử văn hóa và khu du lịch.

Dù vậy, ông Bảo thừa nhận hiện nay tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp.

Ông đưa ra nguyên nhân của tình trạng này qua các con số như dân số của thành phố Hà Nội là trên 8,4 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (có khoảng 1,1 triệu xe ôtô và 6,6 triệu xe máy; 0,2 triệu xe máy điện.

[Hà Nội: Xe cá nhân tăng chóng mặt, ùn tắc càng ngày phức tạp]

Mặt khác, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ôtô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm); diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 18,5%.

“Tốc độ tăng trưởng số lượng phương tiện giao thông hàng năm tăng cao, mật độ xe tham gia giao thông trên các tuyến đường rất lớn, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp gia tăng xe cá nhân, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng thấp, chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố,” vị Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đánh giá.

Ngoài ra, ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ khép kín theo quy hoạch; các công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường; tuyến đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông…

Sáu nhóm giải pháp trị “căn bệnh” ùn tắc

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, theo ông Bảo, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội trong việc phát triển hệ thống giao thông vận tải và giải quyết ùn tắc giao thông, tập trung vào 6 nhóm giải pháp.

Cụ thể, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.

Song song với duy tu, bảo trì hư hỏng hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có như điều chỉnh chu kỳ đèn tại nút giao, xén mở rộng tối đa mặt đường, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút… Đây là giải pháp thực hiện thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng.


Ngoài việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới vận tải hàng khách vận tải công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đưa ra nhóm giải pháp quan trọng nhằm phát triển mạng lưới vận tải hàng khách vận tải công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, ông Bảo cho biết thành phố cũng ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; cải thiện mạng lưới tuyến buýt; thực hiện chuyển đổi xanh từng bước đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào khai thác theo lộ trình; tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m.

Nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông là nhóm giải pháp mang tính đột phá, Hà Nội ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh, trung tâm điều hành giao thông thông minh, hệ thống thẻ vé điện tử liên thông với các ứng dụng thuận tiện cho người dân.

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nồng độ cồn, ma túy; các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...; các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa không đảm bảo an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông./.