Hà Đông (Hà Nội): “Xẻ thịt” công viên thể thao cây xanh để kinh doanh – trách nhiệm thuộc về ai?
Công viên thể thao cây xanh là một trong những công viên được quy hoạch từ năm 2008 với diện tích lớn nhất của Thủ đô, vị trí trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng (Hà Đông), có diện tích 98,2ha. Sau khi sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội giao cho quận Hà Đông triển khai dự án. Khu Công viên Thể thao Hà Đông đã được đưa vào quy hoạch chi tiết về việc xây dựng một khu chức năng đáp ứng yêu cầu tạo lập không gian sinh hoạt văn hoá, thể thao, nhằm cải thiện môi trường sống của người dân, mong muốn dự án sẽ tái thiết lập không gian đô thị, trở thành điểm nhấn mới của Thành phố.
Theo quy hoạch, khu công viên cây xanh gồm các hạng mục chính: Cổng vào, cây xanh công cộng, hồ điều hòa, mương tiêu kết hợp cảnh quan, đường giao thông, đường dạo, khu chợ sinh vật cảnh, chợ tiểu thủ công nghiệp, sân tập golf… được khai thác theo loại hình công viên mở, không xây hàng rào ngăn cách.
Tuy nhiên, do sau khi thu hồi xong chưa có vốn triển khai, nên dự án chưa được đưa vào xây dựng. Vì tình trạng đất bỏ hoang sẽ gây lãng phí tài nguyên nên ngày 22/5/2015, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch, quyết định thu hồi đất tại Văn bản số 3461/UBND-KH&ĐT chỉ đạo UBND quận Hà Đông hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án Khu công viên Thể thao cây xanh nằm trên địa bàn các phường Hà Cầu và Kiến Hưng nhằm tổ chức quản lý, sử dụng khai thác tạm khu đất.
UBND quận Hà Đông đã giao Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Đông trực tiếp quản lý đất, cho thuê khai thác tạm, thu và sử dụng nguồn thu từ đất theo quy định. Trong đó, công trình khai thác tạm này chỉ được phép xây dựng các vật liệu khấu hao nhanh như sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh; đồng thời không được phép xây dựng những công trình kiên cố, công trình cấp 4 hay 1 tầng...
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian khu dự án được giao cho Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Đông quản lý, từ năm 2017 đến nay, thực tế cho thấy, công viên thể thao cây xanh đang bị sử dụng sai mục đích ban đầu cùng với sự xuất hiện rầm rộ hơn của hàng loạt ki-ốt, kho bãi, quán bia, nhà hàng, nhà xưởng, nhà kho để hàng, trạm sửa chữa phụ kiện ôtô, máy móc... đều đã được xây dựng kiên cố. Các bãi tập kết phế liệu, các khu xây dựng, khai thác ngang nhiên mọc lên bất chấp pháp luật.
Với diện tích khá lớn, dự án công viên còn đang được tận dụng thành hàng loạt bãi đỗ xe. Nghi vấn đặt ra, vậy ai sẽ là người được hưởng lợi sau loại hình cho thuê này?
Những gara ôtô, cửa hàng sửa chữa mọc lên như nấm, san sát nhau ngay ngoài mặt đường để khách hàng dễ tìm kiếm và lựa chọn.
Ngoài ra, nhà hàng quanh khu vực này đã được xây dựng vô cùng kiên cố và hoạt động hết công suất. Khác hẳn với quy định không được phép xây dựng những công trình kiên cố, công trình cấp 4 hay 1 tầng... mà UBND Thành phố đã quyết định.
Những loại hình được mở trong công viên như bi-a, thể hình... trên những ô đất được sửa sang, xây dựng kiên cố.
Những con đường xung quanh biến thành nơi đổ rác vô tội vạ, lưu cữu nhiều phế phẩm. Tình trạng này liệu đã xảy ra lâu hay chưa vẫn chưa có câu trả lời từ phía chính quyền địa phương.
Các nhà hàng đông kín khách vào những buổi tối.
Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, các quán ăn, nhà xưởng mọc lên ngày một tràn lan, thậm chí có những xưởng xây dựng trái phép, mỗi căn xưởng có thể rộng đến 300 đến hơn 1.000m2. Từ đó dư luận không khỏi thắc mắc, ai sẽ được hưởng lợi từ những hoạt động kinh doanh ở đây?
Để có thông tin khách quan đến bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đặt lịch làm việc với UBND quận Hà Đông từ ngày 30/8, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi âm?
Phải chăng “lá phổi xanh” của Thành phố Hà Nội chỉ còn là giấc mơ của những người dân? Hay liệu rằng tình trạng đất bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên vẫn sẽ còn tiếp diễn, nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng có thẩm quyền?