Hạ tầng hàng không chưa đáp ứng yêu cầu phát triển
Trong giai đoạn 2011 - 2019, việc đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không có công suất thiết kế là 95 triệu khách/năm.
Tuy nhiên thời điểm trước đại dịch COVID-19, sản lượng thông qua các cảng hàng không đã đạt 116,5 triệu hành khách/năm, vượt khoảng 20 triệu khách.
Với lưu lượng đó, một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng. Chủ yếu là các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước như cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.
Thời gian qua nguồn vốn huy động vào các cảng hàng không chủ yếu là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy việc sớm xã hội hóa hạ tầng hàng không, thu hút các nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư cảng hàng không trở nên cấp thiết.
Đặc biệt theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt khoảng 275 triệu hành khách.
Hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Ngoài ra sau Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT cũng đã lập các Quy hoạch chi tiết và đang đẩy nhanh tiến độ thẩm định làm cơ sở thu hút đầu tư.
Các địa phương hiện vẫn có những chính sách hỗ trợ để thu hút các đường bay mới. Đây là một trong những yếu tố để hấp dẫn được các cảng hàng không mới hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang sửa Luật Hàng không và sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung này, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có cơ chế mở.