1. Trang chủ /
  2. Hải Dương chỉ đạo xác minh phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam về việc bồi thường ở QL37

Hải Dương chỉ đạo xác minh phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam về việc bồi thường ở QL37

thứ năm, 28/9/2023 20:51 GMT+07
UBND tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ xác minh thông tin Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh liên quan đến việc bồi thường ở QL37.
Người dân phản ánh đến Báo PLVN về việc bồi thường Người dân phản ánh đến Báo PLVN về việc bồi thường

Ngày 27/9, UBND tỉnh Hải Dương ban hành văn bản số 3586/UBND-VP về việc kiểm tra nội dung Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải do Phó Chủ tịch UBND Lưu Văn Bản ký.

Văn bản gửi tới Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ nêu rõ, ngày 26/9/2023, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam đăng bài “Dự án nâng cấp QL37 (Hải Dương): Đường xây xong, vẫn còn khiếu nại về bồi thường” tại thôn An Lại, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, làm rõ sự việc Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, báo cáo UBND tỉnh. Thời gian hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5/10/2023.

Trước đó, như PLVN đã đưa tin, một số hộ dân thôn An Lại (xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) vừa có đơn về việc khi thu hồi đất để nâng cấp QL37, địa phương đã lấy vào phần đất trong “sổ đỏ” của gia đình nhưng lại chỉ hỗ trợ loại đất hành lang giao thông.

Theo đơn, năm 2016 khi triển khai dự án cải tạo nâng cấp QL37 qua thôn An Lại, đã lấy vào phần đất thổ cư đã được cấp “sổ đỏ” của một số gia đình. Thời điểm 2016, Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Tứ Kỳ đã xây dựng xong phương án bồi thường, GPMB với những hộ dân ở 2 bên đường. Phương án bồi thường đã được niêm yết công khai, được người dân đồng thuận.

Do lúc đó chưa đủ kinh phí nên địa phương tạm thời chỉ thực hiện bồi thường, hỗ trợ với đất nông nghiệp, đất thủy sản mà chưa thực hiện bồi thường với đất ở.

Đến 2020, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời điểm này, Hội đồng GPMB không thực hiện theo phương án 2016 mà xây dựng phương án mới. Phương án mới bằng đã bác bỏ tính pháp lý của “sổ đỏ” do UBND tỉnh và huyện đã cấp cho họ từ 20 - 30 năm. Cụ thể, Hội đồng GPMB đã căn cứ theo hồ sơ, bản đồ 299 và cho rằng đất đai của các hộ gia đình trên là đất hành lang giao thông nên chỉ được hỗ trợ tiền san lấp chứ không được bồi thường theo diện đất thổ cư.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng phòng TN&MT huyện Tứ Kỳ thông tin, năm 2016 huyện đã gửi thông báo phương án thu hồi, trong đó có giá tiền, diện tích hộ. Thời điểm đó, do hết tiền nên việc bồi thường phải dừng lại. Đến 2020, huyện tiếp tục thực hiện dự án. Lúc này, Tổ công tác mới phát hiện trong “sổ đỏ” một số hộ đã bị cấp chồng vào diện tích hành lang giao thông. Tổ công tác đã báo cáo UBND huyện và xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn, từ đó thống nhất không hỗ trợ bồi thường theo phương án cũ mà chỉ hỗ trợ công san lấp.

Tuy nhiên, việc thu hồi những “sổ đỏ” đã bị cấp sai diện tích đó, hiện địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Khuông, một số lô đất đã chuyển nhượng và những hộ mua đã được cấp “sổ đỏ” mới. Như vậy, theo Điều 106 Luật Đất đai, những “sổ đỏ” trên hiện không thể thu hồi.

Đại diện UBND huyện xác nhận sự việc trên không phải lỗi của người dân, mà do cơ quan chức năng đã cấp “sổ đỏ” chưa đúng quy định. “Hiện huyện vẫn thực hiện theo phương án bồi thường năm 2020, tức là không bồi thường đất thổ cư mà chỉ hỗ trợ san lấp. Người dân không đồng thuận có thể khởi kiện ra tòa, lúc đó các bên sẽ thực hiện theo phán quyết của Tòa án”, ông Khuông nói.