Hàng chục bến bãi than trái phép lộng hành tại Hải Dương
Thời gian qua trên đại bàn xã Tân Dân, TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xuất hiện tràn lan, các bến bãi tập kết than, vật liệu xây dựng hoạt động trái phép.
Những bến bãi này, nhiều năm qua gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đê điều, gây ô nhiễm môi trường… nhưng không được xử lý dứt điểm.
Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam, tại dọc bờ sông Kinh Thầy đoạn chạy qua xã Tân Dân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương nơi không có mỏ than nhưng lại có than ở khắp nơi, theo quan sát bằng mắt thường tại khu vực này có hàng loạt bãi than chất cao như núi vi phạm hành lang thoát lũ đen kịt nằm rải rác cả một vùng.
Điều đáng nói là trong số các cảng bến này có rất nhiều bãi kinh doanh chế biến than chưa được cấp phép, không có trong quy hoạch bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay.
Tại hiện trường, PV Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận cảnh trên bến- dưới thuyền tập nập. Cả một đoạn sông dài chừng gần 1 km đen kịt với hàng chục bãi than chất cao như núi, tiếng lục cục, lạo xạo phát ra từ những chiếc máy nghiền than vang cả một khúc sông.
Để làm rõ hơn về thực trạng này, PV Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Trương Đức San, Chủ tịch UBND Thị xã Kinh Môn và được ông cho biết: Hiện trên thị xã Kinh Môn có 122 bến bãi chạy dài khắp trên 84,47 km đê.
Trong đó có 49 bến than, số bến có phép chỉ hơn chục bến, còn lại là không có phép, hoặc chưa đầy đủ các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên một số chủ bến có đất nên họ xin chủ trương, trong quá trình hoàn thiện thủ tục thì họ dấm dúi để làm nên chính quyền cũng chưa thể giám sát hết.
Cũng theo ông San: "Trách nhiệm để xảy ra hàng loạt bến bãi không phép thuốc về cấp phường, xã, sau đó là UBND Thị xã".
"Để giải quyết được thực trạng này, các ngành chức năng tỉnh Hải Dương cần phải xây dựng kế hoạch, quy hoạch bến bãi, khi đó mới chấp dứt được tình trạng bến bãi hoạt động trái phép", ông San cho hay.
Với việc kinh doanh, chế biến hàng ngàn tấn than, tập kết cao như núi trên hành lang thoát lũ, ngoài việc ảnh hưởng đến dòng chảy mùa lũ vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều … còn gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước trong khi không có bất kỳ một biện pháp bảo vệ môi trường nào.
Ngoài ra, về nguồn gốc than tập kết tại đây cũng đang là dấu hỏi lớn cho cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương. Bởi lẽ theo ông San cho biết: "Về nguồn gốc than UBND thị xã không thể xác minh được mà phải là Cục quản lý thị trường và các ban ngành khác".
Được biết, ngày 11/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Chỉ thị 08 nêu rõ: Để chủ động Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) trong điều kiện tình hình dịch bênh Covid-19 đang diễn biến phức tạp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành chủ động tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 08/11/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi sông và hoạt động của các bến bãi trên địa bàn; tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Thực hiện rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai trên địa bàn, kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành quyết định cho phép của chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều, thủ lợi theo quy định của Luật Đê điều, Luật Thủy lợi.
Đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm những bến bãi hoạt động trái phép, đồng thời làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân đã không làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.