Hàng ghế gỗ Đồng Kỵ ở nhà hát Bắc Ninh: 'Không phải là gỗ cấm thì nên ủng hộ'
Nhà hát với hàng ghế gỗ Đồng Kỵ gây tranh cãi
Mạng xã hội những ngày qua không ngừng chia sẻ một số hình ảnh được cho là chụp tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Bên trong nhà hát được bố trí nhiều hàng ghế gỗ lớn kết hợp bàn trà. Sau đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh xác nhận, những hình ảnh được chia sẻ trên mạng đúng là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Thiết kế này đã được phê duyệt và vừa qua cũng đã giành giải thưởng về kiến trúc.
Công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh mới đây đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia lần thứ 15 (2022 - 2023) hạng mục Kiến trúc công cộng. Công trình do ba kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Trần Hoàng Hải Nam, Trần Anh Sơn tư vấn thiết kế. Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được xây dựng trên khu đất có diện tích 19.400m2, diện tích xây dựng công trình 4.950m2 gồm: Nhà hát quan họ diện tích sàn khoảng 7.900m2; trụ sở làm việc của nhà hát diện tích sàn 1.800m2… Tổng mức đầu tư hơn 241 tỷ đồng.
Theo Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Bắc Ninh, chủ đầu tư Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, nội thất được sử dụng toàn bộ là sản phẩm của làng nghề Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Toàn bộ số ghế của phòng khán giả trong nhà hát dân ca Quan họ được đóng bằng gỗ gõ đỏ (nhập từ Nam Phi) với 341 ghế, trong đó có 18 ghế to, 323 ghế nhỏ, 176 bàn nhỏ và 9 bàn to với tổng kinh phí cho hạng mục này là 6,3 tỷ đồng
Sử dụng gỗ làm nguyên liệu để xây dựng một công trình văn hóa liệu có đi ngược lại xu hướng bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng hiện nay? Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng thiết kế ghế gỗ và bàn trà sẽ là một kiểu độc đáo của nhà hát này. Việc nhận xét bộ bàn ghế đẹp hay không là do cách nhìn của mỗi người nhưng tôi cho rằng, nhóm kiến trúc sư tư vấn họ có lý của mình khi đặt bộ bàn ghế như vậy.
Việc nói đến môi trường xanh, không thân thiện môi trường thì cũng không đúng, chúng ta có những quy định về việc trồng rừng, lấy gỗ. Tất cả đều có quy định riêng cụ thể nên không thể nói theo cảm tính. Bắc Ninh có các làng nghề làm gỗ như Đồng Kỵ nên nhà hát sử dụng ghế gỗ sẽ kích cầu tiêu dùng địa phương. Gỗ là sản phẩm rất bền, nếu có thể thì thay họa tiết đệm đi một chút cũng được, nếu không để thế cũng không sao.
Chia sẻ với phóng viên Sức khỏe và Đời sống, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng công trình đã bảo đảm được cả truyền thống lịch sử làng nghề kết hợp với hiện đại. Nếu đây là những loại gỗ được phép sử dụng, không nằm trong danh mục cấm và không khai thác bất hợp pháp mà có thì công trình hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường.
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, hiện nay gỗ gõ đỏ của Việt Nam hay Lào đều được liệt vào danh sách cấm khai thác nên gỗ gõ đỏ trên thị trường chủ yếu nhập từ nước ngoài về nhiều nhất là từ Nam Phi. Tên gọi gỗ gõ đỏ Nam Phi là để phân biệt với gõ đỏ Việt cho dễ.
Gỗ gõ đỏ Nam Phi là loại gỗ tốt, chất lượng, được trồng nhiều tại các nước phía Nam ở châu Phi. Hiện nay, giống gỗ gõ đỏ Nam Phi cũng có mặt ở một số quốc gia khác với điều kiện loại đất khí hậu phù hợp. Theo đúng tên gọi, gỗ gõ đỏ Nam Phi có màu đỏ. Điều này mang đến tính thẩm mỹ của sản phẩm cao hơn, đẹp hơn.
Loại gỗ này có nhiều loại với các mức giá khác nhau phân theo vùng trồng. Cụ thể một số loại như gỗ trồng tại Mozambique, Ghana, Cameroon,... Nhưng gỗ trồng ở các nước như Mozambique, Ghana được đánh giá có chất lượng ổn định nhất. Vì thế, loại này được săn đón nhiều nhất trên thị trường.
Nhiều loài cây được trồng khai thác gỗ
Việt Nam và thế giới đều có danh mục các loại gỗ cấm sử dụng, buôn bán, trao đổi, khai thác. Có một số loài bị cấp ở cấp quốc tế do số lượng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và có những loài quốc tế không cấm nhưng Việt Nam lại cấm do ít còn khả năng nhân bản di truyền. Do loại gỗ gõ đỏ Nam Phi được phép nhập khẩu nên không thể nói công trình đi ngược lại xu hướng tiêu dùng xanh.
"Đồng Kỵ là làng nghề truyền thống về đồ gỗ, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thế giới. Để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh, chắc chắn người làm nghề phải nắm được các quy định về loại gỗ cấm buôn bán, lưu thông với các loại gỗ được phép sử dụng trong dân dụng", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.
Quyết định số 2198 – CNR của Bộ Lâm Nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành ngày 26 tháng 11 năm 1977 quy định 8 nhóm gỗ. Hiện nay tài nguyên rừng cũng như hoàn cảnh kinh tế nước ta đã có rất nhiều thay đổi. Tuy nhiên theo các tài liệu cũ của của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vẫn chia ra làm 8 nhóm gỗ áp dụng đến nay đã trên 30 năm. Căn cứ phân nhóm hiện hành là sự kết hợp của nhiều yếu tố: Tính chất tự nhiên (tính chất cơ vật lý, độ bền tự nhiên), khả năng gia công, mục đích sử dụng và giá trị kinh tế. Nhóm càng cao (số lớn thì độ bền cơ học và giá trị càng thấp).
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết, bản thân gỗ không phải là hiện vật của đa dạng sinh học nữa thì có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau mà pháp luật không cấm. Ngược lại nếu là gỗ khai thác trong rừng tự nhiên, thuộc danh mục gỗ cấm thì lại là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế trước đây có một số loại gỗ trong danh mục cấm, nhưng khi được trồng rộng rãi thì chúng lại ra khỏi danh mục này.
Ví dụ như gỗ lim trước đây bị cấm, giờ người dân trồng được thì chúng không bị cấm nữa hay như gỗ trầm hương. Hiện người dân trồng đến hàng nghìn ha trầm hương nên nguồn cung rất dồi dào, do đó trầm hương cũng được đưa ra khỏi danh sách cấm.
GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, để mở rộng được diện tích rừng gỗ lớn… thì phải có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống được bằng rừng. Năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm nghiệp cả nước đạt 9,3 tỷ đô la (tương đương 38 triệu m3 gỗ). Tuy nhiên, chủ yếu xuất khẩu gỗ dăm chiếm hơn 16 triệu m3 và một số mặt hàng gỗ có giá trị thấp; chưa có nhiều sản phẩm gỗ tinh chế để xuất khẩu… Do vậy phải phát triển rừng theo hướng bền vững (có chứng chỉ FSC) để thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu có giá trị cao như Mỹ, EC và Nhật Bản, Hàn Quốc…