Hành trình đánh mất hình ảnh và danh tiếng của 'gã khổng lồ' Boeing
Kể từ cuối năm 2018, một loạt thất bại đã bủa vây Boeing, bao gồm các vụ tai nạn nghiêm trọng buộc chiếc máy bay phản lực bán chạy nhất của hãng dừng hoạt động, cũng như sự cố tấm chốt cửa bung ra giữa không trung và để lại một lỗ hổng bên sườn máy bay.
Những sự cố không chỉ khiến 346 người trên máy bay thiệt mạng, mà còn khiến Boeing tổn hại danh tiếng, thiệt hại hàng chục tỷ USD. Dưới đây là những cột mốc đánh dấu sự "tuột dốc không phanh" trong những năm qua của Boeing:
Ngày 29/10/2018
Chuyến bay 610 của Lion Air lao xuống biển Java ngay sau khi cất cánh từ Jakarta, Indonesia, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 30/1/2019
Boeing báo cáo thu nhập kỷ lục, doanh thu lần đầu tiên lên tới 100 tỷ USD. Công ty dự báo một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước.
Ngày 10/3/2019
Chuyến bay 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ Addis Ababa, Ethiopia, đi đến Nairobi, Kenya. Toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 11/3/2019
Trung Quốc đình chỉ tất cả máy bay 737 Max sau vụ tai nạn thứ hai. Nhiều quốc gia cũng đưa ra quyết định tương tự trong những ngày tiếp theo.
Ngày 15/3/2019
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh dừng bay 20 tháng đối với tất cả các máy bay phản lực 737 Max.
Ngày 4/4/2019
Boeing lần đầu tiên thừa nhận rằng một tính năng gọi là MCAS trên 737 Max là nguyên nhân dẫn đến hai vụ tai nạn chết người nghiêm trọng. MCAS được trang bị trên 737 Max nhằm ngăn máy bay tăng độ cao quá nhanh và chết máy, nhưng các nhà điều tra phát hiện ra rằng các phi công không được đào tạo về hệ thống này.
Ngày 24/7/2019
Boeing báo cáo khoản lỗ kỷ lục 3,7 tỷ USD trong quý 2, khoản lỗ đầu tiên sau khi Max ngừng hoạt động.
Ngày 29/10/2019
Vào ngày tưởng niệm vụ tai nạn chết người đầu tiên, Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg đã có phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ. Tại đây, ông gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân và nói rằng công ty "hiểu và xứng đáng" bị giám sát chặt chẽ. Ông gặp các thành viên trong gia đình nạn nhân sau phiên điều trần.
Ngày 20/12/2019
Tàu vũ trụ Starliner của Boeing thực hiện chuyến bay thử nghiệm không người lái đến Trạm vũ trụ quốc tế, nhưng gặp thất bại và buộc phải quay trở lại Trái đất. Đây là một trong những sự cố và thất bại cho thấy Boeing tụt hậu rất xa so với SpaceX trong việc vận chuyển phi hành gia cho NASA.
Ngày 23/12/2019
CEO Dennis Muilenburg bị sa thải trong những ngày kết thúc một năm đầy biến cố của Boeing. Ông được thay thế bởi David Calhoun, người từng giữ chức chủ tịch công ty.
Ngày 21/1/2020
Boeing tạm dừng sản xuất máy bay 737 Max, thừa nhận rằng việc khắc phục sẽ không diễn ra sớm như mong đợi. Trước đó, hãng vẫn tiếp tục chế tạo 737 Max bất chấp máy bay này bị ngừng hoạt động.
Ngày 4/3/2020
United Airlines và JetBlue Airways trở thành hãng hàng không Mỹ đầu tiên cắt giảm lịch bay khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đến giữa tháng, du lịch hàng không ở Mỹ giảm 96% so với một năm trước đó và các hãng hàng không Mỹ cắt giảm 71% số chuyến bay theo lịch trình.
Thiệt hại kinh tế của các hãng hàng không trên khắp thế giới khiến đơn hàng 737 Max bị hủy trên diện rộng. Thông thường, việc hủy đơn hàng sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên trong thời kỳ đại dịch, các đơn hàng có thể hủy mà không bị phạt do tình trạng ngừng bay kéo dài. Điều này càng khiến Boeing bị ảnh hưởng.
Ngày 27/5/2020
Boeing thông báo đang sa thải gần 7.000 nhân viên. Do nhu cầu về máy bay giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch, Boeing cắt giảm 16.000 việc làm, tiếp theo là đợt cắt giảm 7.000 việc làm khác được công bố vào cuối năm.
Ngày 28/8/2020
FAA ra lệnh cấm bay 8 chiếc 787 Dreamliner do có nghi vấn về quy trình sản xuất. Mặc dù lệnh cấm chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn, nhưng nó đánh dấu sự khởi đầu của một loạt đợt giao hàng bị tạm dừng trong hơn hai năm do nghi vấn về việc liệu quy trình sản xuất máy bay có được thực hiện theo đúng thông số kỹ thuật hay không.
Ngày 18/11/2020
FAA thông báo kết thúc 20 tháng lệnh ngừng bay đối với 737 Max, cho phép chiếc máy bay hoạt động trở lại. Tuy nhiên, cho đến nay, việc ngừng hoạt động đã khiến Boeing tiêu tốn khoảng 20 tỷ USD, chi phí này sẽ còn tăng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Ngày 20/9/2021
Boeing tiết lộ họ tìm thấy những chai rượu tequila rỗng bên trong một trong hai chiếc máy bay phản lực 747 đang được tân trang lại để làm chuyên cơ Air Force One thế hệ mới. Điều này cho thấy sự cẩu thả của Boeing trong việc sản xuất máy bay cho khách hàng chính phủ.
Ngày 27/4/2022
Boeing thông báo trì hoãn việc ra mắt máy bay phản lực thế hệ tiếp theo, 777X, cũng như phải chịu khoản phí 660 triệu USD liên quan đến chi phí tăng cao để cung cấp hai máy bay phản lực mới được sử dụng làm chuyên cơ Air Force One.
Ngày 14/4/2023
Boeing thông báo rằng việc sản xuất và giao 737 Max của công ty sẽ bị gián đoạn, mặc dù các máy bay đã được giao vẫn được phép tiếp tục bay.
Ngày 5/1/2024
Một máy bay 737 Max 9 của Alaska Airlines bị bung chốt cửa sau vài phút cất cánh, tạo thành một lỗ hổng ở thành máy bay. Quần áo và điện thoại của hành khách bị hút ra ngoài, may mắn là không có thương vong do không ai ngồi gần lỗ hổng.
Ngày 6/2/2024
Một cuộc điều tra sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho thấy chiếc máy bay trong sự cố thiếu 4 bu lông cần thiết để cố định cửa.
Ngày 26/2/2024
FAA đưa ra một báo cáo chỉ trích gay gắt "những lỗ hổng trong quy trình an toàn của Boeing". Ngày hôm sau, FAA thông báo cho Boeing 90 ngày để đưa ra kế hoạch khắc phục sự cố. Các báo cáo tiếp theo của FAA phát hiện ra nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất của Boeing sau cuộc giám sát kéo dài 6 tuần.
Ngày 1/3/2024
FAA cảnh báo nhiều vấn đề an toàn tiềm ẩn của động cơ trên 737 Max và 787 Dreamliner. Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ phạt Boeing 51 triệu USD vì gần 200 vi phạm xuất khẩu, bao gồm cả việc xuất khẩu trái phép dữ liệu kỹ thuật sang Trung Quốc.
Ngày 11/3/2024
Chuyến bay Boeing 787 của LATAM Airlines từ Sydney đến Auckland bị giảm độ cao đột ngột, khiến một số hành khách bị văng lên trần khoang máy bay, hàng chục người bị thương. May mắn thay, máy bay có thể hạ cánh mà không xảy ra sự cố gì thêm.
Vài ngày sau sự cố, Boeing đã gửi thông báo tới các hãng hàng không đang sở hữu chiếc 787, cảnh báo họ xem xét công tắc trên ghế của phi công. Nếu công tắc vô tình được kích hoạt, phi công có thể bị văng lên phía trước vào bộ điều khiển của máy bay.