“Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” sống lại trong sách
Sáng 22/4, nhân dịp chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023, Nhà xuất bản Kim Đồng, cùng Viện Pháp tại Hà Nội và Phố Sách Hà Nội, Phố 19/12 phối hợp tổ chức chương trình giao lưu "Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" và ra mắt sách Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ.
Chương trình giới thiệu sách được dẫn dắt bởi nhà nghiên cứu giáo dục, tác giả - diễn giả Nguyễn Quốc Vương cùng hai tác giả, TS. Ngôn ngữ học Phạm Thị Kiều Ly và họa sĩ Tạ Huy Long. Sự kiện được đông đảo bạn đọc - những người quan tâm, tìm hiểu về ngôn ngữ cũng như những người yêu sách tham gia.
Trong chương trình giao lưu, các tác giả đã chia sẻ những điều thú vị, ly kì và đặc sắc xoay quanh hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, cùng những cơ duyên đến với dự án, những câu chuyện khi hoàn thiện tác phẩm, những thách thức và cả những kỷ niệm đáng nhớ về cuốn sách. Để từ đó, công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu rõ hơn về cội nguồn của chữ viết dân tộc, từ đó truyền ngọn lửa tình yêu đối với tiếng Việt và khơi dậy lòng quyết tâm bảo vệ sự trong sáng của thứ ngôn ngữ rất đẹp này của dân tộc Việt Nam.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng bày tỏ sự vinh hạnh khi được đưa cuốn sách về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ tới đông đảo độc giả, bà cho biết: "Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là một quyển sách đặc biệt. Đọc sách, độc giả không chỉ biết về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ mà còn biết đến hành trình lịch sử của đất nước cũng như hành trình khám phá văn hóa và tôn giáo. Bên cạnh đó, độc giả cũng được khám phá hành trình tạo ra chính cuốn sách này - cuốn sách của hai tác giả Phạm Thị Kiều Ly và Tạ Huy Long".
Nội dung cuốn sách Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ dựa vào luận án Tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latin của tiếng Việt (1615-1919) tại Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018, sau đó được hiệu chỉnh và in thành sách năm 2022, tại Nhà xuất bản Les Indes Savantes, Pháp, cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu và các cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai.
Người Việt gọi tôi là cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỉ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.
Chương trình giao lưu “Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” đã chia sẻ tới công chúng những câu chuyện xoay quanh công cuộc làm nên tác phẩm đong đầy ý nghĩa về chữ Quốc ngữ và việc ra mắt ấn phẩm đặc biệt, giúp giữ gìn nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc, đưa cội nguồn chữ viết tới rộng rãi bạn đọc trên toàn quốc.