Hành trình triệt phá thành công đường dây mua bán người ở Bạc Liêu
Những cuộc trốn chạy bất thành nơi đất khách
Đã hơn 6 tháng trôi qua, nhưng chị Huỳnh N. (ngụ tại Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại hành trình thoát khỏi “hang ổ” của bọn buôn người.
Năm 2020, do đang thất nghiệp, chị N. đã lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm việc làm thì quen biết với một người phụ nữ sống tại thành phố Cần Thơ hứa sẽ đưa chị sang Trung Quốc đi làm tại công ty sữa chua với mức lương 18 triệu/tháng. Nhưng sau khi đồng ý và đặt chân lên khu vực biên giới Cao Bằng thì chị N. mới nhận ra bản thân đã trở thành nạn nhân của đường dây mua bán người do Lương Thị Hải, Phạm Thị Tú và Thái Thị Hậu tổ chức.
Lau giọt nước mắt lăn dài trên má, chị N. nghẹn nghào: “Bọn chúng bắt tôi gọi videocall về cho gia đình, cô ruột tôi thấy mặt mũi tôi bị đánh bầm dập nên đi mượn khắp nơi chuyển khoản đủ 35 triệu cho chúng. Nhưng chúng không giữ lời hứa, lại tiếp tục bán tôi cho một người đàn ông Trung Quốc bị bại liệt. Sau khi về nhà chồng, tôi nhiều lần bỏ trốn nhưng bị bắt lại và bị đánh đập, hăm dọa. Gia đình bên chồng nói nếu tôi muốn về Việt Nam thì phải trả số tiền 260 triệu đồng nên tôi đành ở lại. Một thời gian sau, khi thấy tôi có ý định tự tử, nên gia đình này đã đưa tôi đến Công an tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trình báo. Đến ngày 28/10/2022, tôi được về Việt Nam”.
Còn đối với chị Trần Kim T. (ngụ tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thì tấm bi kịch của cuộc hôn nhân ngoại quốc càng oan trái hơn khi hai lần rơi vào “hang ổ” của bọn buôn người.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị T. đã sang Trung Quốc làm thuê, nhưng do không có giấy tờ hợp pháp nên việc làm “chui” nơi đất khách nhanh chóng bị phát hiện, cuộc sống càng trở nên cơ cực. Vì hoàn cảnh chị T. đã tin vào lời hứa đầy hào nhoáng của “tú bà” buôn người Phạm Thị Tú mai mối gả chồng Trung Quốc với mong muốn có thể giúp gia đình vượt qua cảnh khốn cùng.
“Ở nhà người đàn ông Trung Quốc được khoảng 1 tuần, tôi lén lấy điện thoại gọi cho một người phụ nữ quen biết lúc làm thuê trước đây, bà ta kêu tôi gửi định vị vị trí, sẽ thuê xe đến đón rồi đưa về Việt Nam. Sau khi bỏ trốn được ra ngoài, có một xe ô tô đến chở đi. Nhưng tôi không ngờ chúng lại thông đồng yêu cầu tôi đưa số tiền 35 triệu đồng thì mới cho về Việt Nam. Sau khi tôi mượn khắp nơi đủ số tiền giao cho chúng thì chúng mới thả tôi ra, còn hăm dọa là khi về Việt Nam mà trình báo Công an, thì sẽ cho người đến nhà “xử lý” - chị T. nói.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn mua bán người
Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Sau khi nhận được tin tố giác của các bị hại liên quan đến đường dây môi giới cho phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra. Qua đó xác định đây là đường dây mua bán người có quy mô lớn, liên quan nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có yếu tố nước ngoài nên đã chỉ đạo xác lập Chuyên án đấu tranh”.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã triệt phá thành công đường dây mua bán người dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc, qua đó khởi tố, bắt giam 3 bị can chủ mưu, cầm đầu gồm Lương Thị Hải, Phạm Thị Tú, Huỳnh Mộng Linh và khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một số bị can có liên quan, về các tội danh “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.
Riêng bị can Thái Thị Hậu – một mắt xích quan trọng trong đường dây, hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định truy nã quốc tế.
Đại tá Lê Thanh Hùng cho biết, chuyên án được triệt phá rất thành công bởi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, của các Cục nghiệp vụ, sự phối hợp tích cực của lực lượng Công an, Biên phòng các tỉnh, thành phố. Đặc biệt là sự chỉ đạo thông minh, linh hoạt, sáng tạo của Ban Chuyên án.
Bên cạnh đó, là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các đơn vị tham gia đấu tranh chuyên án, nhất là giữa các đơn vị nghiệp vụ với Cơ quan An ninh điều tra trong quá trình phát hiện, thu thập tài liệu, chứng cứ đấu tranh với các đối tượng.
"Cùng với ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân trong phòng chống tội phạm. Trong quá trình đấu tranh chuyên án, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả trong việc phát hiện, thu thập tài liệu, chứng cứ” - Đại tá Lê Thanh Hùng, đánh giá sự thành công của Chuyên án.
Theo hồ sơ cơ quan Công an, năm 2015, Lương Thị Hải (sinh năm 1994, quê quán xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đến khoảng năm 2020, Hải đã làm quen với Phạm Thị Tú (sinh năm 1962, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Sau đó các đối tượng cấu kết với nhau tìm kiếm phụ nữ Việt Nam có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc để tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính. Trong đó, Phạm Thị Tú đóng vai trò trực tiếp tìm kiếm phụ nữ để thỏa thuận đưa sang Trung Quốc, nếu đồng ý thì gia đình của những phụ nữ này sẽ được nhận từ 90 – 100 triệu đồng.
Sau khi tìm được những “con mồi” thích hợp, Phạm Thị Tú sẽ đưa họ xuất cảnh trái phép thông qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới. Khi những phụ nữ đã vượt biên, Lương Thị Hải thuê Thái Thị Hậu (sinh năm 1997, cũng lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) tìm những đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ để mai mối. Tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người phụ nữ, những đàn ông Trung Quốc sẽ trả cho Lương Thị Hải số tiền từ 300 – 400 triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã tổ chức cho hàng chục phụ nữ tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc… xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nhằm thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Đặc biệt trong vụ án này, có một đối tượng ban đầu cũng là nạn nhân nhưng sau đó lại trực tiếp móc nối với những kẻ buôn người, trở thành mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc. Đó là trường hợp của Huỳnh Mộng Linh (sinh năm 1987, quê quán xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Năm 2019, Linh quen biết Lương Thị Hải thông qua mạng xã hội Facebook, sau đó Hải sắp xếp cho Linh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch tại biên giới, rồi bán Linh cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 200 triệu đồng. Trong khoảng thời gian sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Huỳnh Mộng Linh thường xuyên liên lạc với Lương Thị Hải và được Hải thuê làm nhiệm vụ trông coi những phụ nữ được đưa từ Việt Nam sang để chờ bán, và được Hải trả công là 10 triệu đồng/người.