Hành trình đưa Chanel thành đế chế lừng lẫy Pháp của Karl Lagerfeld
Mặc dù đã để lại dấu ấn không thể phai mờ đối với cả Chloé và Fendi, nhưng di sản đáng tự hào nhất trong sự nghiệp của Karl Lagerfeld chắc chắn nằm ở cuộc cách mạng sáng tạo tại Chanel.
Bạn hãy khởi động chuyến hành trình khám phá cuộc vực dậy đế chế thời trang Pháp Chanel của Karl.
Trước khi Karl Lagerfeld tiếp quản Chanel vào năm 1983, thương hiệu Pháp do Gabrielle Chanel sáng lập từng trên đỉnh cao của phong cách thượng lưu Paris thế kỷ 20 đã trở nên trì trệ. Phần lớn khách hàng khi đó đều là những người theo chủ nghĩa truyền thống cũ.
Sau khi Karl Lagerfeld đảm nhận vị trí giám đốc nghệ thuật dẫn dắt các sáng tạo của nhà mốt, nhà thiết kế người Đức từng bước vực dậy Chanel bằng nguồn năng lượng trẻ trung khiến sức mua của khách hàng cho các hạng mục sản phẩm tăng vọt.
Thời điểm đó, Karl Lagerfeld được mệnh danh là “phù thủy” làng thời trang Pháp với lối thiết kế theo chủ nghĩa hậu hiện đại độc đáo, kết hợp âu phục cổ điển, chỉnh tề với tinh thần phóng khoáng của phong cách đường phố.
Trên thực tế, có rất ít nhà thiết kế làm nên cuộc cách mạng trong lịch sử thời trang. Gabrielle Chanel là một trong số đó, và kế đến là Karl Lagerfeld. Tầm nhìn đi trước thời đại của ông được diễn giải một cách rõ ràng trên các bộ sưu tập mỗi mùa.
Kế thừa di sản từ nhà sáng lập Gabrielle Chanel, Karl Lagerfeld dùng ngôn ngữ thời trang hiện đại, trẻ trung để bày tỏ niềm say mê trước kho lưu trữ đồ sộ của nhà mốt cũng như dành sự tôn kính của mình cho nữ nhà thiết kế.
Bộ sưu tập đầu tiên của Karl tại Chanel gợi nhớ về phom dáng quen thuộc từ thập niên 20 và 30.
Chanel đã cách mạng hóa nền thời trang hậu Chiến tranh Thế giới thứ nhất bằng cách chọn lọc lại chất liệu vải và phom dáng trên trang phục nam không cấu trúc truyền thống để ứng dụng lên thiết kế đồ nữ.
Sự thoải mái của đồ nam đã thu hút nhiều quý cô. Bởi lúc bấy giờ, có quá nhiều hạn chế trong trang phục nữ khiến cho việc di chuyển của họ trở nên thiếu linh hoạt.
Trang phục của Chanel sở hữu phom dáng đẹp, thanh lịch, đem đến cảm giác thoải mái cho người mặc. Tương tự như lối thiết kế của Coco Chanel, thời trang của Karl Lagerfeld cũng thể hiện sự giải phóng phái nữ khỏi những quy củ.
Cố giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld đã thổi làn gió mới vào bộ suit bằng vải tweed cổ điển vào năm 1925 nhờ các điểm nhấn hiện đại.
Xuất hiện trong tất cả các bộ sưu tập của ông tại Chanel, các phiên bản suit vải tweed của Karl trở thành biểu tượng độc tôn của nhà mốt Pháp. Dần dần, Karl phát triển thêm đồ denim và da, đồng thời điểm xuyết thêm chất liệu nhựa trong suốt, gỗ hay thậm chí là in kỹ thuật số để các thiết kế đa dạng và phá cách hơn.
Ngay cả trong giai đoạn mạng xã hội vẫn còn là một khái niệm xa lạ, Karl Lagerfeld cũng khiến giới thời trang xôn xao trước những show diễn của mình tại Chanel.
Vào giữa thập niên 90, Karl tận dụng làn sóng Hip-hop để bổ sung vào bộ sưu tập của mình những thiết kế dây chuyền vàng ngoại cỡ lấy cảm hứng từ phong cách đường phố.
Một bộ sưu tập khác được Karl ra mắt lấy cảm hứng từ bộ môn lướt sóng cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ các tín đồ thời trang. Có thể thấy, ông đã kết hợp kiến thức sâu rộng về lịch sử thời trang với niềm say mê trước văn hóa đương đại để cho ra đời những bộ sưu tập gây tiếng vang lớn.
Tại Chanel, Karl Lagerfeld đã phát triển bộ sưu tập Cruise và đưa chúng đến nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, ông cũng cho ra mắt các bộ sưu tập mới, chẳng hạn như Métiers d’Art vào năm 2002 nhằm tôn vinh nghệ thuật savoir-faire truyền thống của Chanel.
Suốt 36 năm gắn bó với nhà mốt Pháp, Karl giới thiệu nhiều dòng phụ kiện, đồ thể thao và các sản phẩm đã trở thành biểu tượng. Trong đó có túi Chanel Classic Flap (chiếc túi được hiện đại hóa từ mẫu 2.55 của Gabrielle Chanel), túi Chanel Boy, Chanel Gabrielle, Chanel 19…
Tham vọng chinh phục khách hàng cùng tầm nhìn nhạy bén của một người am hiểu tường tận nhiều khía cạnh thời trang đã tạo động lực cho Karl Lagerfeld ra mắt đều đặn nhiều bộ sưu tập trong năm, thậm chí là đảm đương sáng tạo cho nhiều nhà mốt khác cùng một lúc.
Và những di sản vô giá mà Karl đã để lại cho Chanel cũng như tinh thần cống hiến những giá trị vượt thời gian của ông tiếp tục được giám đốc nghệ thuật Virginie Viard kế thừa và phát triển./.