Hậu cho vay: Chủ nợ phải “che mưa, che nắng” cho tài sản bảo đảm
Chậm nợ “lộ” tội phạm
Trước đó, vào tháng 5/2017, theo nhu cầu và mong muốn của Công ty TNHH Sikar (địa chỉ tại Km 780, Quốc lộ 1A, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã chấp thuận và phê duyệt khoản vay là 14 tỷ đồng của doanh nghiệp này với tài sản bảo đảm (TSBĐ) là các dây chuyền, thiết bị tại nhà máy.
Đến năm 2018, Công ty TNHH Sikar (Công ty Sikar) đã không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với khoản vay tại Ngân hàng PVcomBank và dẫn đến quá hạn thanh toán.
Sau khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ và không còn khả năng thanh toán, tháng 05/2018, PVcomBank đã khởi kiện Công ty Sikar và được Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thụ lý, giải quyết.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ việc tại TAND, Công ty Sikar đã có đề nghị mở thủ tục phá sản doanh nghiệp và được TAND huyện Hải Lăng chấp thuận, giao cho Công ty DNTN QL&TLTS Quảng Trị là Đơn vị/Quản tài viên xử lý, giải quyết.
Quá trình thực hiện, giải quyết thủ tục phá sản đối với Công ty Sikar, quản tài viên (có Ngân hàng PVcomBank cùng tham gia) đã kiểm kê và phát hiện một số TSĐB tại nhà máy của Công ty Sikar có sự thay đổi về hiện trạng so với thời điểm thế chấp.
"Tuy nhiên, phía TAND huyện Hải Lăng không có ý kiến gì đối với nội dung này và đã hoàn thiện hồ sơ, tổ chức 2 lần Hội nghị chủ nợ (ngày 22/1/2019 và ngày 25/7/2019). Mặc dù vậy, do tỷ lệ chủ nợ không có bảo đảm tham gia Hội nghị không đủ điều kiện theo Luật phá sản nên phải tạm hoãn", phía ngân hàng PVcomBank cho hay.
Trao đổi với phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Thanh Khánh – Tổ trưởng Thẩm phán giải quyết phá sản (TAND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện tại, tòa án đã chuyển toàn bộ hồ sơ của vụ việc sang cho Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền do thấy có dấu hiệu của tội phạm.
Trước nội dung này, ông Nguyễn Đức Hùng – Điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT huyện Hải Lăng đã xác nhận về việc đơn vị đang điều tra, làm rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến khoản vay của công ty Sikar với Ngân hàng PVcomBank.
Hiện tại, Cơ quan CSĐT – Công an Hải Lăng đang thực hiện việc xác minh thông tin để phục vụ công tác điều tra và chưa có kết luận cuối cùng, ông Hùng thông tin.
Chủ nợ “che mưa, che nắng” cho tài sản
Theo đại diện của Ngân hàng PVcomBank, khi khoản vay bị quá hạn, Công ty Sikar đã yêu cầu PVcomBank thực hiện việc niêm phong, ký hợp đồng và tạm ứng chi phí bảo vệ TSBĐ. Câu chuyện cũng sẽ không phải bàn thêm nếu TSBĐ được bảo quản theo đúng quy định, vì nhiều đơn vị có trách nhiệm “xa lánh”, khiến giá trị tài sản vì đó mà hao hụt.
Chỉ tạm tính đến tháng 6/2021, chi phí bảo vệ TSBĐ mà PVcomBank phải bỏ ra đã lên đến hơn 400 triệu đồng. Cùng với đó, các chuyên gia của PVcomBank đánh giá TSBĐ có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng do vụ việc bị kéo dài và không có đơn vị đầu mối thực hiện công tác bảo vệ.
Trước thực trạng này, PVcomBank đã nhiều lần có văn bản đề nghị Tòa án, Quản tài viên, Viện kiểm sát, Cơ quan CSĐT có phương án bảo vệ và xử lý các TSBĐ nhưng chưa nhận được ý kiến phản hồi.
Ngân hàng PVcomBank cho rằng, quá trình xử lý bị kéo dài từ tháng 05/2018 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đã khiến các TSBĐ của PVcomBank tại Nhà máy Sikar xuống cấp nghiêm trọng. Điều này có thể khiến PVcomBank không thể thu hồi được bất kỳ khoản nợ nào mà Công ty Sikar đã vay trước đó (sau khi trừ các chi phí bảo vệ, xử lý TSBĐ….).
Tại một diễn biến khác, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tình - Quản tài viên phụ trách phá sản cho biết, toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đã chuyển sang TAND huyện Hải Lăng. Phía Tòa cũng đã tổ chức họp khẩn và tiếp tục chuyển hồ sơ sang công an trước đó do xét thấy có dấu hiệu tội phạm.
Theo ông Tình, Quản tài viên hiện tại không có thẩm quyền hay tư cách pháp lý để nêu ý kiến hay gửi văn bản đề nghị đến tòa liên quan đến việc xử lý TSBĐ đang có dấu hiệu bị hư hỏng, xuống cấp.
Tại điểm b, Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 53 Luật phá sản 2014 về Xử lý khoản nợ có bảo đảm quy định:
“1. Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:
b) Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc TSBĐ không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm. Việc xử lý khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp TSBĐ có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Việc xử lý TSBĐ theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:
a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng TSBĐ đó;
b) Trường hợp giá trị TSBĐ không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị TSBĐ lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.