1. Trang chủ /
  2. Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng

Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng

thứ tư, 2/8/2023 20:42 GMT+07
Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138) tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Tại Hà Nội hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng. Ảnh: T.T Tại Hà Nội hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng. Ảnh: T.T

Không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Ban Chỉ đạo 138 TP Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm 2023, các cơ quan chức năng TP đã kiềm chế, kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2022 (phát hiện 1.840 vụ, giảm 76 vụ, tỷ lệ 3,9%).

Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng, như cưỡng đoạt tài sản (giảm 24%); giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi (giảm 31,8%); mua bán người (giảm 50%); cố ý gây thương tích (giảm 16,4%); cướp giật tài sản (giảm 12,4%); trộm cắp tài sản (giảm 1,6%); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (giảm 9,4%)...

Kết quả điều tra khám phá chung của tội phạm về trật tự xã hội, khám phá án đặc biệt nghiêm trọng đạt cao và vượt chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trong đó, Công an TP đã điều tra, khám phá 1.670 vụ, 3.976 đối tượng, đạt 90,7%, vượt 15,7% chỉ tiêu; đặc biệt trong đó có 166 vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bắt 312 đối tượng, đạt 98,8% (vượt 8,8% chỉ tiêu).

Điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, kéo dài; không để tồn tại các tụ điểm về tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận...

Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác giải quyết án đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra. Chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác bắt, giam, giữ, xử lý tội phạm và vi phạm, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 (số vụ, số người chết và số người bị thương), ùn tắc giao thông giảm, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép giảm rõ rệt.

Kiểm tra, giám sát thường xuyên cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương cho rằng, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, vừa rồi, Công an TP Hà Nội được Bộ Công an đánh giá cao trong việc xử lý các vụ việc thanh thiếu niên hư, tụ tập mang dao kiếm, hung khí, điều khiển mô tô gây mất trật tự xã hội.

Các vụ việc xảy ra đều được Công an TP Hà Nội điều tra, truy bắt hết các đối tượng, truy tố 100% với các trường hợp đủ tuổi; đồng thời, xét xử công khai để tuyên truyền răn đe.

“Trong các vụ việc có nhiều đối tượng trong độ tuổi học sinh. Công an TP đã có sáng kiến ban hành chuyên đề để đấu tranh phòng ngừa hiệu quả” - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ và đề nghị, cần tăng cường phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội ở các cấp, nâng cao trách nhiệm của các nhà trường.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Lưu Hoa thông tin về việc tăng cường phối hợp tuyên truyền trong nhà trường; đồng thời đề nghị ký quy chế phối hợp toàn diện với Công an TP Hà Nội.

Đồng tình với đề nghị ký quy chế phối hợp toàn diện, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Ban Chỉ đạo các cấp đã giao lực lượng công an trực tiếp vào các trường THPT để tuyên truyền tác hại của ma túy, trật tự an toàn giao thông...

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, sớm hoàn thiện, ban hành quy chế phối hợp toàn diện giữa Sở GD&ĐT, Sở Y tế với Công an TP về việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS.

Nhấn mạnh việc phải tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực nhạy cảm, ông Lê Hồng Sơn yêu cầu, các quận, huyện phải chỉ đạo các ban, ngành địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tích cực tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng…

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội cũng công bố quyết định thành lập 2 ban chỉ đạo mới tách ra từ Ban Chỉ đạo 138 TP gồm: Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP Hà Nội.