HĐBA lên án vụ tấn công nhằm vào phái bộ gìn giữ hòa bình tại Trung Phi
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công mới đây nhằm vào Phái bộ Ổn định tích hợp đa chiều của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), khiến 1 nhân viên gìn giữ hòa bình đến từ Cameroon thiệt mạng và 5 người bị thương.
Đại diện thường trực của Pháp tại Liên hợp quốc - ông Nicolas de Riviere, người đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2024, đã đưa ra tuyên bố, trong đó bày tỏ chia buồn với gia đình của binh sỹ thiệt mạng, cũng như với Cameroon.
Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vụ việc ở Mbindale, các thành viên hội đồng tái khẳng định "các cuộc tấn công chống lại lực lượng gìn giữ hòa bình có thể cấu thành tội ác chiến tranh," đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ của tất cả các bên theo luật nhân đạo quốc tế.
Các thành viên Hội đồng Bảo an kêu gọi chính phủ Cộng hòa Trung Phi nhanh chóng điều tra vụ tấn công này với sự hỗ trợ của MINUSCA và đảm bảo những đối tượng đứng sau vụ việc sẽ bị trừng trị.
Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về các mạng lưới buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia tiếp tục tài trợ vũ khí cho các băng nhóm tại Cộng hòa Trung Phi.
Tuyên bố nhấn mạnh việc sử dụng ngày càng nhiều vật liệu nổ, trong đó có các thiết bị nổ tự chế và mìn, đã gây ra nhiều thương vong cho dân thường cũng như phá hoại tài sản, đồng thời làm gián đoạn các nỗ lực nhân đạo.
Các thành viên hội đồng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành thêm các cuộc điều tra cũng như triển khai các biện pháp nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng.
Các thành viên hội đồng đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc để MINUSCA hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả và đảm bảo an ninh cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
MINUSCA được thành lập trên cơ sở Nghị quyết 2149 năm 2014 và được gia hạn định kỳ 12 tháng/lần. Phái bộ có nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ dân thường, bảo vệ tiến trình hòa bình và thúc đẩy triển khai Thỏa thuận Hòa bình và Hòa giải giữa Chính phủ Cộng hòa Trung Phi với 14 nhóm vũ trang hồi tháng 2/2019./.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, Cộng hòa Trung Phi có tới 50% dân số không đủ ăn và là quốc gia có tỷ lệ người dân mất an ninh lương thực nghiêm trọng cao nhất thế giới.