Hệ thống Thi hành án dân sự: Tăng cường giải pháp trong công tác cán bộ
Chủ động triển khai nhiều giải pháp
Trong bối cảnh việc, số tiền phải thi hành đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, toàn Hệ thống THADS đã nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để duy trì tổ chức thi hành án đạt hiệu quả. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống đã thi hành xong 242.304 việc; về tiền, thi hành xong 47.595 tỷ 471 triệu 239 nghìn đồng.
Đối với án tín dụng ngân hàng (không bao gồm uỷ thác thi hành án, số chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng), toàn hệ thống đã thi hành xong 2.278 việc và thi hành xong về tiền 12.802 tỷ 844 triệu 443 nghìn đồng.
Về công tác theo dõi THAHC, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 400 việc (trong đó số bản án đã có quyết định buộc THAHC của Toà án là 107 bản án, số bản án chưa có quyết định buộc THAHC của Toà án là 121 bản án); đang tiếp tục thi hành 979 bản án (trong đó, số bản án đã có quyết định buộc THAHC của Toà án là 374 bản án, số bản án chưa có quyết định buộc THAHC của Toà án là 605 bản án).
Là địa phương có lượng việc chiếm 12% và tiền chiếm 32% của cả nước, tuy nhiên, Cục trưởng Cục THADS TP. HCM Nguyễn Văn Hòa cho biết Cục đã triển khai nhiều giải pháp, nhờ đó hoàn thành vượt chỉ tiêu theo biên độ 6 tháng đề ra.
Dự báo công tác THADS tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức với vụ việc có tới hàng nghìn bất động sản, ông cho rằng vấn đề kinh phí, biên chế đến thể chế đều phải tính toán kỹ, đặc biệt là phải tăng cường phối hợp chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. Lãnh đạo Cục cũng cho ý kiến cụ thể về cơ chế bảo vệ Chấp hành viên, tính chịu trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đồng thời đề nghị sớm sửa đổi Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác này.
Còn Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Phạm Văn Dũng cho biết 6 tháng đầu năm 2024, lượng việc và tiền thụ lý mới trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ, đáng chú ý tổng số tiền phải giải quyết là 76 ngàn tỷ đồng tuy nhiên tỷ lệ giải quyết tăng so với cùng kỳ.
Nhận định trong bối cảnh toàn hệ thống phải tăng cường công tác rà soát, tự kiểm tra để “tự soi, tự sửa” đồng thời phải giải quyết một số vụ việc có số lượng đương sự và số tiền lớn (như vụ Tân Hoàng Minh với hơn 6 nghìn đương sự), Lãnh đạo Cục THADS Hà Nội cho biết thời gian tới Cục sẽ tập trung hoàn thiện Quy chế hoạt động nội bộ đồng thời mong muốn Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS quan tâm tới biên chế cho các Chi cục THADS. Cùng với đó, liên ngành trung ương tăng cường phối hợp để thống nhất trong áp dụng một số quy định pháp luật.
Về phía Cục THADS Hà Nội, Cục trưởng Phạm Văn Dũng cho biết sẽ chú trọng công tác kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc cho các Chi cục; tổ chức làm việc với các Chi cục để giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, giá trị lớn; tăng cường chỉ đạo, điều hành theo hướng giao trách nhiệm cho người đứng đầu Chi cục… Đặc biệt, đối với vụ Tân Hoàng Minh, Cục sẽ có kế hoạch và bố trí cán bộ hướng dẫn đương sự trong việc nộp đơn thi hành án.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Huy, Phó Vụ trưởng Vụ 11, VKSNDTC nhận định mặc dù công tác THADS gặp nhiều khó khăn về khối lượng công việc, về số lượng biên chế nhưng các cơ quan THADS đã tích cực, chủ động trong triển khai các mặt công tác. Ông Huy cho biết thời gian vừa qua VKSNDTC cùng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS phối hợp quyết liệt trong chỉ đạo THAHC, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, ban hành các văn bản kiến nghị UBND cấp tỉnh về THAHC, tạo chuyển biến trong công tác này. Trong thời gian tới, ông hy vọng cơ quan THADS và VKSND các cấp sẽ tăng cường phối hợp, chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cùng nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Giải quyết vấn đề về nguồn nhân lực
Còn bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đề nghị Tổng cục THADS tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đề xuất kiện toàn lãnh đạo các cơ quan THADS địa phương đảm bảo đủ người, đúng người; tuyển dụng đủ biên chế để tăng cường lực lượng cho cơ quan THADS; quan tâm điều chỉnh biên chế, tăng cường giải pháp trong công tác cán bộ như biệt phái công chức đến các đơn vị có lượng án lớn, phức tạp.
Đối với các cơ quan THADS địa phương, bà Hà đề nghị người đứng đầu nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm; chủ động, kiểm soát tốt công việc để phòng ngừa sớm các vi phạm; rà soát đội ngũ cán bộ để có phương án kiện toàn đúng, đủ; thẳng thắn trong đánh giá cán bộ; chủ động quán triệt các quy định của Đảng, chính sách pháp luật để cụ thể hóa trong các quy định nội bộ, triển khai nghiêm túc, kịp thời trong đơn vị…
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá hệ thống THADS vừa qua đã kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản, chương trình của Trung ương và địa phương về THADS, THAHC; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa vi phạm được tập trung thực hiện; công tác phối hợp và phát huy sự chỉ đạo của Đảng ủy, cấp ủy địa phương có nhiều cố gắng; công tác tổ chức cán bộ, thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó việc sửa đổi Luật THADS được hết sức chú trọng.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các cơ quan THADS địa phương, bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng bày tỏ lo lắng khi số lượng việc và tiền xu hướng ngày càng tăng, dự báo nhiều đại án có số lượng đương sự, tài sản phải thi hành án rất lớn, “vượt khung” cơ chế và bộ máy THADS vì vậy, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần tham mưu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đảm bảo cho việc thi hành án hiệu quả.
Ngoài ra, yêu cầu, kỳ vọng của người dân đối với công tác THADS ngày càng cao, do đó các cơ quan THADS phải nhận thức rõ bối cảnh để tập trung giải quyết các vấn đề về biên chế, nguồn lực con người. Theo đó, các cơ quan THADS địa phương cần làm tốt công tác rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp Chi cục, Phòng chuyên môn.
Các cơ quan THADS cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra sát sao với những vụ án lớn, giá trị thi hành cao để đảm bảo tiến độ thi hành. Đối với án tín dụng ngân hàng, cần tổng hợp, đánh giá, làm rõ những vướng mắc, rõ trách nhiệm của ngân hàng, của cơ quan THADS để có giải pháp khắc phục.
Đối với án hành chính, Thứ trưởng nhận định nhiều địa phương đã phát huy được sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong THAHC, tuy nhiên thời gian tới, các cơ quan THADS vẫn cần chủ động đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để thực hiện công tác này.
Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Lãnh đạo các cơ quan THADS đổi mới, sáng tạo, tích cực, chủ động trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo khí thế thi đua sôi nổi để hoàn thành nhiệm vụ; chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác THADS…