Hiến kế xây dựng Văn kiện Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, ngày 25/5 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về lãnh đạo Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Để triển khai Chỉ thị này, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thành lập các Tiểu ban để chuẩn bị cho công tác Đại hội, tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quán triệt Chỉ thị và các nội dung chuẩn bị cho Đại hội.
Gợi mở một số định hướng góp ý xây dựng dự thảo báo cáo chính trị và Điều lệ MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ, việc xây dựng văn kiện Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận.
Các góp ý tập trung thảo luận những nội dung, đề xuất giải pháp để giúp MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình nhân dân và tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên và Ban Chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm vào việc xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và sửa đổi điều lệ MTTQ Việt Nam.
Các ý kiến cho rằng, nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị cần đánh giá đúng, đầy đủ, khách quan về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024. Trên cơ sở đó chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi nhằm đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận trong tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội...
Qua thảo luận, các ý kiến tại hội nghị kỳ vọng, với việc nhận diện rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được Điều lệ quy định hoặc có quy định nhưng chưa phù hợp, việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam sẽ đảm bảo chất lượng, thiết thực, đồng bộ, khả thi, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho hoạt động của cả hệ thống MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ, trong báo cáo chính trị phải ý thức việc xây dựng MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên vững mạnh có một ý nghĩa rất quan trọng. Không chỉ phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Mặt trận được ghi trong Luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam mà cao hơn còn có ý nghĩa căn cơ để MTTQ Việt Nam khẳng định vị trí, vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc xây dựng hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị, ông Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh tới yêu cầu phải tăng cường củng cố nâng tầm chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận. Trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh việc nâng cao trình độ, năng lực, cán bộ Mặt trận phải là những người có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, với nhân dân.
Ông Đỗ Văn Chiến khẳng định, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chắt lọc, tiếp thu một cách tối đa các ý kiến, trên cơ sở đó hoàn thiện các dự thảo văn kiện theo đúng tinh thần Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư.