Hiến tạng nhân đạo: Mong muốn những cuộc đời khác được “hồi sinh”
Tại Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng đã có thể thực hiện thành công với 8 bộ phận trên cơ thể người. Đây được xem là một thành công lớn của y học Việt Nam, giúp cho nhiều trường hợp bệnh nhân có thể tiếp tục duy trì sự sống.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa nguồn cung và số lượng người có nhu cầu được ghép tạng để điều trị bệnh đang ngày càng rộng. Thấu hiểu điều đó, nhiều bạn trẻ đã vượt qua nỗi sợ của bản thân, rào cản của gia đình, xã hội để đăng ký hiến tạng nhân đạo.
“Sống là cho và khi chết cũng là cho”
Cảm thông trước những nỗi đau, mất mát của những bệnh nhân phải ra đi vì không có tạng để ghép, nối dài sự sống, chị Huỳnh Thị Kim Thi (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi qua đời.
Khi lựa chọn hiến tạng, chị Thi cũng đã vấp phải nhiều ngăn cản từ phía gia đình. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại ấy, chị Thi cho biết: “Cho đi là còn mãi, mong sau này những thứ tôi hiến tặng sẽ mang lại thêm cuộc sống cho nhiều người. Sống là cho và khi chết cũng là cho…”.
Khi làm thủ tục tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Thi đã đồng ý quyết định hiến tặng tim, phổi, thận, mắt của mình, chị Thi xúc động chia sẻ: “Sau này trái tim của tôi vẫn đập, lá phổi vẫn thở, thận vẫn hoạt động, hai giác mạc của tôi hàng ngày vẫn được ngắm nhìn cuộc sống. Sự sống của tôi đang hiện hữu trong những con người khác. Tôi hiến tạng là làm cho những cuộc đời khác được hồi sinh”.
“Sống có thể hiến máu, chết có thể hiến tạng”
Năm 2020, anh Nguyễn Hải Hưng (TP. Hải Dương, Tỉnh Hải Dương) đã đăng ký hiến tạng nhân đạo sau khi qua đời, anh Hưng cho hay: “Tôi đã thực hiện được 1% tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời còn lại, 99% mong đủ duyên có thể cho đi và có người đủ duyên để nhận. Với tôi, sống có thể hiến máu, chết có thể hiến tạng”.
Theo anh Hưng, trên thế giới việc hiến tạng và xác sau khi chết não rất phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn nhiều quan niệm hạn chế. Nhiều người không may mắn khi họ đang rất đau đớn, khổ sở vì cơ thể họ bị hư hỏng bộ phận nào đó nhưng không có để thay thế. Cảm nhận thấy sự đau đớn đó, anh Hưng quyết định hiến toàn bộ những gì có thể hiến cho người khác sau khi chết não.
“Cảm nhận thật vui khi trái tim mình vẫn có thể đập trên cơ thể người khác, giác mạc của mình ghép vào mắt người khác để họ có thể nhìn thấy vạn vật xung quanh... người nhận được chắc chắn họ rất hạnh phúc. Mong rằng mọi người có thể cùng nhau chia sẻ, lan tỏa nhiều hơn để ngày càng có nhiều người đăng ký hiến tạng”, anh Hưng tâm sự.
Với sự tham gia, hưởng ứng của rất nhiều người trẻ, đăng ký hiến tạng nhân đạo đã trở thành một phong trào được mở rộng, nhiều người biết tới. Đây cũng là những cơ hội để hồi sinh lại những cuộc đời kém may mắn, đồng thời giúp cho những người trẻ có cuộc sống ý nghĩa, đáng giá.
Nhờ sự cho đi tình nguyện, không vụ lợi, một phần cơ thể của những người hiến tạng đã giúp cho hàng ngàn cuộc đời được tiếp tục cuộc sống bình thường. Hành động hiến tạng không chỉ mang lại sự sống cho những người khác mà còn giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân văn và ý nghĩa hơn.