Hiệu quả của Đề án tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, Đề án đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của các tầng lớp nhân dân cũng như góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu chung của Đề án trên phạm vi cả nước.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Qua kiểm tra thực tế ở các địa phương, có thể thấy, thực hiện nghiêm Quyết định 1059/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị ở các tỉnh, thành phố đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, triển khai, thi hành cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành kịp thời, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với đối tượng và địa bàn dân cư. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật bảo đảm bài bản, hệ thống và sâu rộng.
Ông Nguyễn Công Huấn- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi nhận thức rất rõ việc tuyên truyền cho bà con về Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng như ý thức trách nhiệm của bà con về trách nhiệm của mình trong bả vệ chủ quyền biển Đông là một việc rất cần thiết, quan trọng và lâu dài. Bà con khi nắm vững Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của mình, cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia; vừa đánh bắt trên biển có hiệu quả vừa góp phần thiết thực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc!”.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của địa phương mình.
Theo bà Huỳnh Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, sau hơn hai năm Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh khẩn trương triển khai công tác tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ, công chức, viên chức, LLVT và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, biên tập tài liệu, chú trọng công tác truyền thông, sử dụng các hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, ứng dụng trên các thiết bị di động… để mong muốn các kênh truyền thông đó lan toả một cách nhanh nhất đến cán bộ, nhân dân toàn tỉnh những nội dung của Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả
Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019-2023” đã được triển khai và thực hiện nghiêm túc, nền nếp, với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Ông Vũ Đức Hoàn, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch UBND phường Hà An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chia sẻ: “Phường Hà An có đường bờ biển dài 8,8km, nhân dân chủ yếu làm nghề vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Số lượng bà con làm ăn trên biển nhiều. Do vậy, để công tác tuyên truyền Luật Cảnh sát biển được hiệu quả, chúng tôi đã linh động bằng cách dựa vào thói quen, nếp sống của bà con ngư dân đó là những ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, bà con sẽ về đất liền để hương khói cho ông bà tổ tiên, số lượng tàu thuyền tập trung đông. Lúc đó, các tổ công tác của phường đã xuống cảng để tuyên truyền. Chính cách làm này cũng đã đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện của phường!”.
Theo bà Lưu Thị Thu Huyền, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Tp. Hải Phòng, Hải Phòng là thành phố cảng biển và có hai huyện đảo nên công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển có nét đặc thù riêng. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng để đưa Luật nhanh chóng đi vào đời sống như phối hợp với Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng mở chuyên mục “Bàn tròn pháp luật”; mở chuyên đề “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng Thông tin điện tử thành phố; cử cán bộ thường xuyên ngồi vào ghế nóng để trả lời các câu hỏi, những vướng mắc của bà con nhân dân, ngư dân liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
"Sở rất chú trọng đến công tác tuyên truyền miệng, coi đây là phương tiện gẫn gũi, hữu hiệu. Do đặc thù của ngư dân thường xuyên hoạt động dài ngày trên biển nên lựa những dịp có đông đảo bà con trở về bến tránh gió, bão, cán bộ của Sở phối hợp với các lực lượng tiến hành đến từng tàu thuyền, phương tiện để tuyên truyền, giới thiệu những điểm mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đặc biệt tập trung vào những hành vi bị nghiêm cấm, những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân. Vốn dĩ pháp luật mang tính khô khan nên đội ngũ cán bộ phải tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện", bà Huyền nói.
Song song với công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại các địa phương, lực lượng Cảnh sát biển còn thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, tổ chức thăm, tặng quà bà con nhân dân, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, động viên bà con an tâm vươn khơi bám biển.
Ông Lê Ngọc Tình, ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) chia sẻ: “Được cán bộ các ban ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển cũng như tặng quà động viên, anh em ngư dân chúng tôi cảm thấy rất yên tâm, vững tin bám biển để khai thác hải sản nuôi sống gia đình và góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ta. Cũng nhờ các anh Cảnh sát biển hỗ trợ lực lượng khi có bất trắc xảy ra trong quá trình đánh bắt trên biển!”.
Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính uỷ Cảnh sát biển, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã ký Quy chế phối hợp với 13 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ trong 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước. Hiện nay, các Quy chế phối hợp đối với 13 tỉnh, thành này đang phát huy hiệu quả rất tốt. Dự kiến trong năm nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tiếp tục ký kết với các tỉnh Ninh Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, tiến tới sẽ ký kết Quy chế phối hợp đối với các tỉnh, thành còn lại. Mục đích cao nhất là tuyên truyền, phổ biến, đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam thật sự đi vào cuộc sống theo đúng yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng.
Từ sự vào cuộc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, với những cách làm phong phú, đa dạng, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019-2023” đang cho thấy tính hiệu quả, chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm đưa Luật thực sự lan toả, đi vào đời sống xã hội một cách tích cực nhất. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.