Hiệu quả tín dụng chính sách ở huyện miền núi Quảng Bình
Vốn tín dụng phát huy hiệu quả
Theo số liệu thống kê, trong 20 năm (từ 2003-2022) đã có 68.400 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền giải ngân là 1.379 tỷ đồng; nguồn vốn được đầu tư đến 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Minh Hóa. Đến nay tổng dư nợ cho vay đạt 459 tỷ đồng, với 8.550 hộ vay vốn (chiếm đến 60,6% số hộ dân trên địa bàn huyện), dư nợ tăng 435 tỷ đồng (gấp 18 lần) so với ngày đầu thành lập năm 2003 (năm 2003 dư nợ cho vay chỉ đạt 24 tỷ đồng).
Các chương trình có tỷ trọng dư nợ lớn như: Cho vay hộ nghèo và cận nghèo dư nợ 185 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% trong tổng dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo 127 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng dư nợ; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 28,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,3%; còn lại là các chương trình tín dụng khác. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, dư nợ quá hạn toàn huyện chỉ chiếm tỷ lệ 0,05%/tổng dư nợ (năm 2003 tỷ lệ nợ quá hạn chiếm đến 1,88%), tỷ lệ nợ quá hạn giảm 1,83%; toàn huyện có 9/15 xã, thị trấn không có dư nợ vay quá hạn, chiếm 60%.
Để thực hiện chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng Quản trị huyện chỉ đạo thành lập 15 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, tại mỗi xã đều có 01 điểm giao dịch. Trong 20 năm qua, NHCSXH huyện đã thực hiện 3.600 lượt phiên giao dịch về tại xã, thị trấn để giải ngân cho vay đến 68.400 lượt hộ vay vốn, thu nợ và thu lãi trực tiếp đến nơi cư trú của hộ vay.
Một số mô hình điển hình vay vốn tín dụng chính sách phát huy tốt hiệu quả như: Gia đình anh Hồ Thân ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa, trước đây anh Thân thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã, anh vay vốn chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện với số vốn chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, có vốn anh đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản để phát triển kinh tế, dần dà thấy việc chăn nuôi đem lại hiệu quả thiết thực cho gia đình, anh Thân đã trả hết nợ vay cũ số tiền 10 triệu đồng và vay sang chương trình cho vay hộ cận nghèo số tiền 90 triệu đồng, có vốn anh mở rộng chăn nuôi dê sinh sản, chăn nuôi bò sinh sản, đến nay đàn bò sinh sản của anh có 6 con, đàn dê có 10 con, đem lại thu nhập cho gia đình anh hàng năm từ 25-30 triệu đồng/năm, đây là khoản thu nhập mơ ước của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Hay như gia đình chị Hồ Thị Bun ở bản K-Định, xã Dân Hóa vay vốn NHCSXH huyện số tiền 40 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi dê, chăn nuôi lợn rừng và trồng rừng cây keo lai. Đến nay đàn dê của chị có 10 con, đàn lợn có 30 con và 4 hecta rừng trồng cây keo, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong gia đình, thu nhập hàng năm của gia đình chị sau khi trừ đi chí phí từ 45- 50 triệu đồng/năm.
Tranh thủ tối đa nguồn vốn, tập trung giải ngân cho vay
Theo số liệu thống kê, đến nay có 4,3 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo đang vay vốn; có 3,4 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh được đầu tư nhờ vốn vay; có 780 hộ nghèo vay vốn để xây dựng nhà ở; có 330 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để phát triển sản xuất; từ nguồn vốn vay đã giải quyết việc làm hàng năm cho gần 4 ngàn lao động/năm.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Minh Hoá sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa nguồn vốn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP để tập trung giải ngân cho vay, trong đó chú trọng đẩy mạnh các chương trình tín dụng như: Cho vay xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 10/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, đơn vị nhận ủy thác để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức mạng lưới, đặc biệt là mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vốn tại cơ sở. Chú trọng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 221 ra ngày 9/8/2022)