Hỗ trợ vay vốn, tìm việc làm cho người đã cai nghiện ma túy
Theo đó, thành phố Hà Nội đề ra 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Cụ thể, thành phố phấn đấu trên 80% số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố được tiếp cận các dịch vụ: Tư vấn, biện pháp can thiệp giảm hại, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố công bố danh sách các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, bảo đảm tất cả những người được xác định là người nghiện ma túy đã đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện đều được tham gia điều trị, cai nghiện đúng quy định.
Đồng thời, UBND thành phố cũng giao các địa phương hỗ trợ vay vốn, học nghề, hỗ trợ tìm việc làm với các hình thức phù hợp cho 250 người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của thành phố tổ chức dạy nghề cho 700 người cai nghiện bắt buộc.
Thành phố duy trì hoạt động mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại 278 xã, phường, thị trấn đã triển khai năm 2021, 2022; Phát triển mới các mô hình năm 2023 tại 103 xã, phường, thị trấn bảo đảm chỉ tiêu tiến độ theo lộ trình tại Kế hoạch số 270/KH-UBND ngày 1/12/2021 của UBND thành phố…
Ngoài ra, thành phố cũng nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện; Công tác quản lý sau cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy; Đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương.