HÒA BÌNH: Thanh tra tỉnh chỉ ra nhiều vi phạm tại Sở Công Thương
Cụ thể, Kết luận thanh tra chỉ rõ, trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật của Sở Công Thương còn có những tồn tại như tổ chức, hiện số lượng phó trưởng phòng của sở vượt 5 người so với quy định. Trong thời gian 2020 - 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp không triển khai, thực hiện Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước” với lý do dịch bệnh COVID-19.
Việc cấp lại giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, qua thanh tra, đã phát hiện 3/10 hồ sơ thực hiện chưa đúng quy định về mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận, giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Theo Thanh tra tỉnh Hòa Bình, trách nhiệm chính thuộc Văn phòng sở, Phòng Quản lý Thương mại, công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ.
Trong công tác quản lý tài chính, ngân sách cũng còn không ít hạn chế. Trong đó, một số chứng từ thiết lập còn chưa được chặt chẽ, như: Chứng từ mua sắm công cụ, vật tư văn phòng, sửa chữa tài sản còn thiếu giấy đề nghị, biên bản bàn giao, cấp phát cho người sử dụng. Chi tiếp khách thiếu đề nghị, phiếu báo khách, lệnh điều xe còn thiếu tên người sử dụng xe, xác nhận của nơi đến. Thu tiền phí, lệ phí với tổng số tiền hơn 241 triệu đồng tiền mặt nhưng chưa thực hiện nộp đầy đủ vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước với số tiền hơn 205 triệu đồng.
Tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công bị kết luận chưa căn cứ vào quy định của pháp luật về chế độ của viên chức được hưởng. Một số chứng từ thiết lập còn chưa chặt chẽ. Trách nhiệm chính thuộc về thủ trưởng đơn vị, kế toán và công chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ.
Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn có tồn tại trong việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai, một số bản kê khai tài sản, thu nhập thực hiện chưa đúng.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh tra còn chỉ rõ nhiều sai phạm trong công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án. Cụ thể, tại tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hòa Bình, sử dụng vốn ODA do EU tài trợ, giai đoạn 2018 -2020, dự toán công trình sắp xếp, thiết lập các bảng biểu chưa khoa học, chưa có bảng tổng hợp chi tiết hạng mục, số liệu tổng hợp chưa logic. Việc lập dự toán, thực hiện chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân đã thực hiện đảm bảo theo quy định của UBND tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Quyết định số 46/2021/QĐUBND còn có bất cập, chưa phù hợp trong trường hợp thu hồi với diện tích đất nhỏ, đối với hộ đông nhân khẩu số tiền hỗ trợ lớn hơn rất nhiều tiền đền bù về đất.
Cũng theo Kết luận thanh tra, việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lương Sơn thực hiện chậm, chưa kịp thời, đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục quyết toán công trình.
Giá trị phát hiện sai phạm trong nghiệm thu chi phí xây dựng, chi phí hạng mục chung, chi phí thiết bị, với số tiền 12.462.000 đồng do khối lượng thực tế thi công giảm so với hợp đồng và hồ sơ nghiệm thu. Qua thanh tra, giảm trừ chi phí xây dựng dẫn đến giảm trừ tương ứng: Chi phí quản lý dự án 261.000 đồng; chi phí giám sát thi công 274.000 đồng.
Đối với dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, chủ đầu tư chỉ định đơn vị thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công Thương) là chưa đảm bảo quy định theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng: “Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và với các nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng”.
Việc giải ngân vốn dự án tiến độ chậm theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Cụ thể, theo Thông báo số 4582/SKHĐT-THQH của Sở KH&ĐT, kế hoạch vốn dự án phân bổ năm 2022 là 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 5/2022, chủ đầu tư mới được tiếp nhận 5 tỷ đồng và đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, dự kiến đến tháng 11/2022 lựa chọn xong đơn vị thi công xây lắp. Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị điều chuyển 12,5 tỷ đồng do không sử dụng hết trong năm 2022…
Trước những vi phạm trên, Thanh tra tỉnh Hoà Bình kiến nghị Sở Công Thương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có tồn tại, khuyết điểm. Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn kiểm điểm trách nhiệm Trung tâm Phát triển quỹ đất trong việc chậm thực hiện chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại xã Cao Dương.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 234 ra ngày 22/8/2022)