Hoa Lư (Ninh Bình): Chính quyền bất lực với vi phạm đê điều?
Chỉ một đoạn ngắn khoảng 1km dọc đê hữu Hoàng Long đoạn qua địa bàn xã Ninh Giang mà lại có rất nhiều đơn vị ngang nhiên xây dựng, lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm pháp luật đê điều như: Hai bãi cát của Công ty TNHH Thương mại Hưng Tuấn Anh và Công ty TNHH Trường An Thuỷ; xưởng dăm gỗ của Công ty Cổ phần Đức Phát; xưởng sửa chữa đóng tàu; bãi than của Công ty Việt Dũng.
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tất cả những đơn vị trên đến nay vẫn hoạt động công khai. Tại 2 bãi cát, xà lan vẫn nối đuôi nhau cập bến rồi dùng máy xúc đưa cát lên xe trung chuyển rồi đổ lên bãi, xe vận tải tấp nập ra vào lấy cát. Bãi dăm gỗ chất cao như núi và có nhiều băng chuyền vươn ra ngoài bờ sông, sẵn sàng đưa hàng lên tàu đi tiêu thụ. Còn xưởng sửa chữa đóng tàu thì rất nhiều công nhân vẫn miệt mài làm việc, mặc dù nằm ngay dưới lưới điện cao thế. Bãi than thì cũng không kém phần sôi động với máy móc, xe tải ra vào liên tục.
Cát vẫn liên tục được đổ đầy vào các bãi tập kết ven sông bất chấp vi phạm.
Các xà lan tấp nập ra vào cung cấp cát cho bãi.
Nhiều người dân sinh sống gần tuyến đê này bức xúc: “Nhà nước làm cho chúng tôi tuyến đê để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân yên tâm làm ăn sinh sống. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua các bãi tập kết, nhà xưởng cứ ngang nhiên đưa phương tiện, máy móc vào sản xuất, không chỉ gây ồn ào, bụi bặm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê điều và hành lang thoát lũ trong khi mùa mưa bão đã đến rất gần. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay các vi phạm này vẫn không được xử lý triệt để”.
Xưởng dăm gỗ xây dựng lán, máy móc, băng chuyền, tập kết trái phép ngoài đê.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tháng 7/2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu các doanh nghiệp phải di chuyển toàn bộ nhà xưởng và vật liệu xây dựng ra khỏi phạm vi bãi sông để đảm bảo không cản trở dòng chảy khi có lũ lụt xảy ra. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Bình liên tục có các văn bản yêu cầu UBND huyện Hoa Lư xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều trên tuyến đê hữu Hoàng Long đoạn qua xã Ninh Giang. Thế nhưng, dường như việc xử lý dứt điểm vi phạm của huyện Hoa Lư chỉ mới “thành công” trên phương diện văn bản?
Băng chuyền lắp ra ngoài mép sông để dễ dàng vận chuyển hàng.
Mới đây nhất, tháng 2/2022, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn. Tuy nhiên, không hiểu vì sao các bãi tập kết cát, nhà xưởng vi phạm đến nay vẫn có thể ngang nhiên hoạt động mà không bị tháo dỡ. Phải chăng chính quyền địa phương bất lực với vi phạm đê điều?
Xưởng đóng tàu không chỉ vi phạm đề điều mà còn nằm ngay dưới lưới điện cao thế.
Về phía địa phương, ông Bùi Quốc Trị - Chủ tịch UBND xã Ninh Giang thừa nhận có việc các bãi cát, công trình, nhà xưởng vi phạm đê điều trên địa bàn. Hàng năm, UBND tỉnh, UBND huyện Hoa Lư đều có các văn bản chỉ đạo phối hợp giải tỏa các công trình vi phạm này. Tuy nhiên, việc này rất khó vì còn liên quan sinh kế của nhiều người lao động, tài sản của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động…
Cũng theo ông Trị, thẩm quyền của xã hàng năm chỉ ban hành các văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân này không để phát sinh vi phạm mới và đôn đốc triển khai thực hiện, nhất là trong mùa mưa lũ không cho tập kết vật liệu ở đó. Trường hợp nào vi phạm thì UBND xã lập biên bản xử lý vi phạm để sau này làm căn cứ giải quyết?
Phải chăng chính quyền địa phương đã bất lực trong việc xử lý các vi phạm này? UBND tỉnh Ninh Bình cần sớm có biện pháp cương quyết hơn trong việc xử lý vi phạm đê điều, củng cố niềm tin cho nhân dân.