Hoài Đức (Hà Nội): Hàng loạt nhà xưởng xây dựng không phép trên địa bàn xã Đông La
Xã Đông La có ngành nghề truyền thống sản xuất, chế biến lâm sản và kinh doanh gỗ, ván ép, giàn giáo, cốt pha xây dựng từ nhiều đời nay. Nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân rất cao nhưng lại thiếu mặt bằng để sản xuất dẫn đến việc vi phạm đất đai, xây dựng nhà xưởng không phép khá phổ biến và có tính lịch sử từ nhiều năm trước.
Phản ánh đến Báo điện tử Xây dựng, người dân xã Đông La, huyện Hoài Đức cho biết: Hiện nay, trên đường Bờ Sông mới tồn tại những công trình kiên cố, bán kiên cố có mái tôn, quây phía ngoài thành nhà xưởng với quy mô lớn. Các công trình này có dấu hiệu xây dựng trên đất nông nghiệp và không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khi chứa nhiều vật liệu dễ cháy. Trong quá trình sản xuất, những nhà xưởng này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống xung quanh.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đi khảo sát thực tế, nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở.
Cụ thể, tại khu vực được phản ánh có khoảng 15 công trình nhà xưởng xây dựng không phép. Các công trình được dựng lên với kết cấu khung kèo sắt, vách quây tôn cùng mái lợp tôn.
Theo anh H – một người dân sinh sống nơi đây cho biết: Diện tích quanh đê gần đây nhiều năm nay đã bị các cơ sở chế biến gỗ xây dựng nhà xưởng để làm nơi tập kết nguyên liệu sản xuất, xưởng làm nội thất. Có khu vực còn giăng bạt rào chắn đường tận dụng làm chỗ chứa đồ tạm. Chúng tôi cũng có kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Để khách quan thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Hải Như – Chủ tịch UBND xã Đông La. Qua trao đổi, ông Hải Như cho biết: Nguồn gốc đất tại những nhà xưởng trên đều có địa chỉ rõ ràng bởi đây hoàn toàn là đất thổ cư, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứ không phải đất nông nghiệp. Trước đây, các hộ gia đình sở hữu những mảnh đất này đều dùng để xây nhà và dành một phần để trồng trọt. Tuy nhiên, khi Trạm bơm nước tế tiêu Yên Nghĩa được xây dựng, kéo theo là đường đê mới được hình thành, thì người dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà xưởng. Từ đó dẫn đến thực trạng, hàng loạt nhà xưởng nằm sát bên đường đê Bờ Sông mới khiến người dân tưởng nhầm là dựng trên đất nông nghiệp nhưng không phải vậy.
Đại diện Đội trật tự xây dựng huyện Hoài Đức cũng chia sẻ thêm: Hầu hết các nhà xưởng này đều là tồn tại cũ và xuất hiện khá lâu. Một số trường hợp thì người dân kết hợp cả ở và nhà kho trong nhà xưởng. Tuy nhiên đối với chính quyền quản lý cũng gặp nhiều khó khăn khi địa bàn xã thì xây dựng không cần xin giấy phép, mặt khác cũng là tập tính địa phương nên khó lòng có thể yêu cầu người dân phá dỡ.
Vị này khẳng định: Trong thời gian gần đây, không xuất hiện thêm công trình nhà xưởng nào được xây dựng mới.
Khi phóng viên đề cập đến công tác PCCC tại các nhà xưởng và trách nhiệm của địa phương đến đâu khi không may có sự cố xảy ra? Chủ tịch UBND xã Đông La thông tin: Trong quá trình quản lý về công tác PCCC, chính quyền xã đã thực hiện đúng nhiệm vụ theo phân cấp, kết hợp cùng Công an xã đi rà soát và kiểm tra. Các nhà xưởng ở đây đều không có bất cứ giấy phép nào liên quan đến an toàn phòng chống cháy nổ. Thời gian tới, xã sẽ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu và kiểm tra toàn diện tất cả các công trình trên địa bàn, còn riêng đối với các công trình nhà xưởng cũ sẽ giám sát tuyệt đối để đảm bảo an toàn.
Đại diện UBND xã Đông La cũng khẳng định, không để xây dựng thêm những công trình sử dụng sai mục đích như thế này.
Trước những vấn đề “nhức nhối” đang tồn tại trên địa bàn xã Đông La, đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý triệt để tránh tình trạng sử dụng đất sai mục đích.