Hoài Đức, Đông Anh sắp lên quận: Giá đất bất ngờ đi ngang
Theo kế hoạch của Hà Nội, trong năm 2023 sẽ đưa huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận. Trong khi đó, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì trong năm 2025 cũng sẽ được “nâng cấp” lên quận.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc một số huyện được lên quận trong thời gian tới sẽ khiến giá đất tại khu vực này tăng giá chóng mặt. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Ngoại trừ Thanh Trì, giá đất các huyện Đông Anh, Giá Lâm và Hoài Đức có xu hướng chững lại, thậm chí còn giảm.
Đơn cử, tại xã Nguyên Khê (Đông Anh), giá đất sau Tết Nguyên đán bất ngờ giảm 10% - 15% và giữ nguyên giá cho tới thời điểm hiện tại. Giá bán trung bình dao động 38 - 43 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá đất nền xã Võng La cũng giữ mức 34 - 40 triệu đồng/m2, đất nền Cổ Loa có giá 18 - 21 triệu đồng/m2, đất nền Hải Bối đi ngang mức 50 - 55 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại Hoài Đức, đất nền sau đà giảm giá từ cuối năm ngoái thì từ đầu tháng 7/2023 đến thời nay không còn hiện tượng đi xuống mà có xu hướng đi ngang.
Ở các vị trí đường hai ô tô tránh nhau, có thể kinh doanh thuộc khu vực Di Trạch, Kim Chung, An Khánh hiện duy trì mức giá trung bình 66-74 triệu đồng/m2. Đất trong làng ở Đông La, Kim Chung, Đức Thượng, Song Phương… sau thời gian giảm giá cũng duy trì ổn định ở mức 27- 40 triệu đồng/m2 trong gần hai tháng nay.
Trái ngược với 2 huyện trên, Thanh Trì là khu vực ven đô hiếm hoi có giá đất tăng trong thời gian qua, tuy nhiên mức tăng cũng không đáng kể. Đơn cử, giá đất mặt đường Ngọc Hồi - Văn Điển trước đây có giá 80 - 135 triệu đồng/m2, thì nay tăng nhẹ lên 85 - 140 triệu đồng/m2. Giá đất Tứ Hiệp cũng tăng khoảng 2% - 3% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Nhìn tổng thể, khi thị trường bất động sản suy yếu sẽ kìm hãm đà tăng của giá đất.
“Từ giữa năm 2022 tới nay, cả cung cả cầu bất động sản đều suy giảm, thanh khoản thị trường thấp ở hầu như mọi phân khúc. Do đó, việc giá đất tăng là khó xảy ra”, ông Tuấn nói.
Dù vậy, ở những nơi được coi là “vùng trũng” của thị trường, đơn cử như Thanh Trì, giá đất vẫn đang có xu hướng tăng.
Ông Tuấn giải thích: Trước khi thị trường trầm lắng, giá đất ở Đông Anh và Hoài Đức đã tăng rất cao. Thậm chí, mức tăng ở một số nơi còn cao phi lý, bằng hoặc cao hơn cả đất trong khu vực nội đô. Vì vậy, khi thị trường giảm nhiệt, giá đất ở các khu vực này sẽ chững lại.
“Một số nhà đầu tư cần tiền gấp còn thanh lý tài sản, thanh lý đất khiến giá đất một số nơi giảm”, ông Tuấn nhận xét.
Trong khi đó, Thanh Trì nói riêng và khu vực Nam Hà Nội nói chung được coi là “vùng trũng” thị trường, nên vẫn có xu hướng tăng.
“So với mặt bằng chung của Hà Nội, Thanh Trì rất ít khi sốt đất. Khu vực này nhiều nhà xưởng, nhà máy cũ nên có ít dự án mới. Tuy nhiên, vài năm gần đây, khu vực này có một số dự án hạ tầng, khu đô thị đã tạo đà tăng cho Thanh Trì”, ông Tuấn chia sẻ.